Du lịch trải nghiệm, khám phá miền Tây

04/12/2021 10:00
Trải nghiệm đua thuyền ba lá trên sông

Trải nghiệm đua thuyền ba lá trên sông

Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Để chuẩn bị tâm thế hồi phục, các công ty lữ hành đã và đang làm gì để tạo sức bật hậu Covid-19? Chúng tôi, có chuyến xuôi quốc lộ 1A về miền Tây...

Trải nghiệm miệt vườn

Từ TP. HCM, chúng tôi xuôi quốc lộ 1A ghé thăm Cù lao Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang). Đến đây, du khách sẽ cùng những người dân địa phương trải nghiệm bắt cá, tát đìa, trải nghiệm với chiếc gầu sòng, để tát cạn mương nước tìm bắt những chú cá lóc, những con cá rô... mà lòng vui mừng, phấp phỏng...

Từ Tiền Giang, du khách xuôi đò máy trên sông Tiền để sang Cồn Phụng (Bến Tre) thăm những làng nghề thủ công truyền thống như nghề làm kẹo dừa, nghề sản xuất những đồ thủ công mỹ nghệ bằng thân dừa, quả dừa. Bà Lê Thị Quới, 65 tuổi một nghệ nhân làm kẹo dừa tại Cồn Phụng, cho biết: "Năm nay, dịch nên du khách không đến tham quan làng nghề như mọi năm. Chúng tôi cũng có những khó khăn nhưng biết làm sao được. Vì dịch bệnh nên việc đi du lịch là điều không thể".

Cô Huỳnh Thị Thắm, Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn – Mỹ Tho, chia sẻ: "Tôi sinh ra từ vùng nông thôn, tôi hiểu những vất vả của người nông dân, nên muốn làm một điều gì đó cho quê hương. Những dự án tôi triển khai, là xây dựng một mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch xanh kết hợp với du lịch văn hóa sông nước để cho những người nông dân quê tôi họ có được những lợi ích từ du lịch, làm cho đời sống của họ ngày một khá giả hơn. Nhưng 2 năm qua, ngành du lịch ảnh hưởng bởi dịch nên việc kinh doanh về các điểm đến, tour điểm của công ty có nhiều ảnh hưởng".

Cô Huỳnh Thị Thắm cũng cho biết thêm: "Những tour du lịch tát mương, bắt cá là những tour rất được du khách châu Âu và Nhật ưa thích. Cũng như những cảnh vật đồng quê và sông nước chính là những tài nguyên thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó chính là nét đặc trưng du lịch của vùng đất này".

Để làm mới lại các tuyến điểm du lịch thu hút du khách nội địa lẫn khách quốc tế, đòi hỏi không chỉ là một mình doanh nghiệp mà cần có sự kết hợp giữa chính quyền và người dân địa phương trong mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Chính người dân là chủ thể, là những hướng dẫn viên cho du khách mỗi khi họ đến tham quan các nhà vườn. Khi du khách bắt được mẻ cá dưới hồ, đó chính là thành quả lao động của họ. Và cũng chính là món chính trong bữa cơm trưa tại nhà vườn.

Rời Tiền Giang, chúng tôi đến bến du thuyền Cần Thơ để đi tham quan chợ nổi Cái Răng. Nét đặc trưng của vùng sông nước đó chính là người nào bán gì thì treo cây nẹo lên đầu mui thuyền để cho khách biết người bán, bán mặt hàng gì mà ghé xuồng đến mua hàng và trao đổi hàng hóa. Người dân nơi đây vẫn còn có cách đổi hàng từ những sản vật địa phương.

Chợ nổi Cái Răng họp từ 1 giờ sáng đến 7 giờ sáng thì tan chợ. Những nét đặc trưng của chợ nổi Cái Răng đã điểm thêm cho ngành du lịch một nét đặc trưng để hấp dẫn du khách khi tham quan cảnh sinh hoạt trên sông nước của người dân địa phương. Cô Nguyễn Thị Tuyết, người có 20 năm bán hủ tiếu trên chợ nổi Cái Răng, cho biết: "Do dịch, nên việc họp chợ cũng có nhiều hạn chế. Trước khi chưa có dịch, những tàu thuyền tấp nập hàng hoá, trái cây, rau quả để mua bán, trao đổi".

Cũng nằm trong tuyến du lịch chợ nổi, chúng tôi vào tham quan khu du lịch vườn Mỹ Khách cùng ngôi nhà cổ trên 135 năm tuổi ở Bình Thủy (Cần Thơ) để lắng nghe bụi thời gian qua những lời vọng cổ của nghệ sĩ Út Trà Ôn.

Về An Giang với du lịch tâm linh

Ai đã đến vùng đất Châu Đốc- An Giang sẽ có cơ hội tham quan chùa Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu và Tây An Cổ Tự, một vùng đất đầy tính huyền thoại và lịch sử. Đây chính là một điểm nhấn của du lịch tâm linh mà hằng năm đến ngày vía bà Bà Chúa Xứ, ngành du lịch An Giang đã đón tiếp lượng lớn du khách gần xa đi lễ chùa Bà.

Du lịch trải nghiệm, khám phá miền Tây - Ảnh 1.

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP Châu Đốc, An Giang) là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước

Theo nhiều công ty lữ hành, chính những đặc điểm về sinh thái và địa lý đã tạo cho vùng đất này một nét đặc trưng về sông nước. Nhưng cũng từ những nét đặc trưng ấy các công ty lữ hành phải biết tìm một hướng đi riêng. Anh Võ Hoàng Hậu, nhân viên phòng Sales của Công ty Saigontourist, cho biết: Đi xuôi về vùng đất An Giang và các tỉnh phía dưới, sản phẩm du lịch rất phong phú như du lịch tâm linh thăm chùa Bà Chúa Xứ, Thăm làng Chăm nằm bên bờ tả sông Hậu - một điểm nhấn cho du lịch văn hóa cộng đồng và xuôi thuyền đi trên sông thăm làng cá bè...

Tại huyện Tân Châu (An Giang), chúng tôi đã được thăm làng nghề dệt thổ cẩm phum, sóc của người Chăm. Nơi đây với những sản vật từ dệt thổ cẩm qua bàn tay khéo léo của người thợ, chính là món quà cho du khách mỗi khi đến tham quan. Du khách có thể trải nghiệm các công đoạn tạo ra sản phẩm với sự hướng dẫn của người dân nơi đây.

Du khách cũng có cơ hội đi thuyền sang thăm làng cá bè cũng trên dòng sông Hậu để tự mình cho đàn cá ba sa, cá điêu hồng ăn và cảm nhận được sự bình yên của người dân sống trên sông với những chiếc bè cá hàng ngàn con.

Chuyến trải nghiệm và khám phá sẽ cho du khách cảm nhận được những giá trị về thiên nhiên và con người vùng sông nước Cửu Long.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.