Dựng không gian đậm chất Tây Nguyên, giữ gìn bản sắc văn hóa người Ê Đê

12/12/2022 09:00

Chị H’Len Niê (ở buôn Ako Dhông, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) mở quán cà phê để gìn giữ nhà dài và các đồ vật truyền thống của người Ê đê. Quán cà phê nhưng được xây dựng là 1 căn nhà dài của người Tây Nguyên, có không gian thi vị, độc đáo từ kết cấu nhà sàn cho đến các vật dụng sinh hoạt đời thường đặt rải rác đầy chất mỹ thuật như chiêng, ché, ghế K’pan, trống H’gor, thuyền độc mộc, gùi, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc... được gìn giữ nguyên bản.

Dựng không gian đậm chất Tây Nguyên, giữ gìn bản sắc văn hóa người Ê Đê

Văn hóa Tây Nguyên là sự quy tụ hài hòa của ba giá trị cơ bản: văn hóa hữu hình, văn hóa tinh thần và văn hóa nghệ thuật.

Văn hóa hữu hình của mảnh đất cao nguyên đại ngàn đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đó là những ngôi nhà rông, nhà sàn của người Bana, Giarai, Ê đê, Mnông hướng về phía Bắc Nam để lấy ánh sáng mặt trời, mái nghiêng nơi sườn Đông Tây lại tựa như hoa hướng dương đón gió. Đó là cầu thang nhà rông, nhà sàn mang dáng bầu vú mẹ, là những thiết chế nhà dài được đẽo nguyên từ thân cây lớn, là họa tiết bằng trăng khuyết đi qua những tháng ngày dần dầy tròn và rạng rỡ như ước vọng giản đơn của con người, là ché rượu cần bên bếp lửa hồng, là những công cụ sản xuất thô sơ bằng đá, bằng đồng, là những vòng bạc, vòng đồng đeo ở cổ tay, cổ chân trong những ngày hỏi chồng, lễ thỏa thuận và lễ cưới.

Những nét văn hoa ẩn sâu trong kiến trúc của nhà dài từ bao đời nay đã đi vào sử thi cùng những câu chuyện cổ, trở thành một phần của lịch sử văn hóa và điểm hoa trong cuộc sống con người Ê đê qua những tháng năm.

Gìn giữ văn hóa Tây Nguyên theo cách riêng

Lo sợ văn hóa dân tộc mai một thì ngôi nhà dài truyền thống, buôn làng cổ dần biết mất, nếu như vậy, sau này giới trẻ sẽ không được biết đến ghế K'pan, trống H'gor… chị H'Len Niê đã dành thời gian, công sức, tiền bạc để lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu văn hóa dân tộc theo cách của riêng mình, đưa nét đẹp văn hóa của buôn làng đến với nhiều người.

Chị H'Len Niê đã sử dụng căn nhà dài của chính gia đình mình thành quán cafe. Đây cũng là một mô hình triển lãm văn hóa Ê đê thu nhỏ, góp phần gìn giữ không gian văn hóa và môi trường xanh, thân thiện, đậm chất văn hóa bản địa. Du khách vào quán cà phê Arul là lạc vào không gian đậm chất Tây Nguyên với cồng chiêng, ché, chày, nia, nong…

Bản sắc văn hóa của người Tây Nguyên được chị H'len Niê lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu đến với du khách

Việc trùng tu lại nhà dài rất vất vả vì từng bộ phận bị hư phải tháo ra thay mới. Lúc sửa nhà, chị chỉ dám thuê 1 người thợ vì không có điều kiện chi trả, còn lại tự mình phải làm hết, từ việc tìm loại gỗ, đi mua gỗ, lái xe rùa, xếp đá, thợ xây… Chị cứ cần mẫn, kiên trì mỗi ngày trong suốt một thời gian dài.

Để có được quán cà phê Arul như ngày hôm nay là một hành trình vô cùng gian nan của chị H'len. Bởi, chị bắt đầu từ con số 0. Không tiền, không kinh nghiệm, thứ chị có nhiều nhất là tình yêu với văn hóa Ê đê.

Nhiều người trong buôn gọi chị là khùng. Họ chẳng thể tưởng tượng lại có người phụ nữ Ê đê "khác người" đến thế. "Sống yên không thích, chỉ thích làm những việc đâu đâu". Đó là những lời chị H'Len thường xuyên nghe từ mọi người. Thế nhưng, chị bỏ qua tai tất cả. Những điều đã nung nấu, chị muốn làm bằng được. Vì "khùng" nên chị không sợ thất bại, vì "khùng" nên chị cứ "liều" bước đi.

Không có điều kiện đi nhiều nơi để học hỏi, chỉ là người nông dân chính hiệu, không được học hành nhiều nên thời gian đầu chị H'len không biết phải kinh doanh quán cà phê như thế nào. Mất một thời gian dài, chị xoay sở đủ kiểu chỉ để "học nghề".

Dựng không gian đậm chất Tây Nguyên, giữ gìn bản sắc văn hóa người Ê đê - Ảnh 2.

Để có được quán cà phê Arul như ngày hôm nay là một hành trình vô cùng gian nan của chị H'len.

Ban đầu, chị cho một đơn vị khác thuê không gian còn bản thân thì làm việc cho họ để học việc. Thế nhưng, làm một thời gian, họ muốn sửa lại không gian theo phong cách của họ. Chị H'len không chấp nhận không gian đậm chất văn hóa Tây Nguyên của mình bị can thiệp, chị đã lấy lại quán mà trong đầu vẫn mông lung không biết chặng đường tiếp theo phải bước tiếp ra sao. Sau đó, suốt nhiều tháng trời, chị lặn lội khắp nơi để tìm mua lại những vật dụng truyền thống của người Ê-đê như cối giã gạo, chày, nong, nia, bàn ghế… thiết kế quán.

Dựng không gian đậm chất Tây Nguyên, giữ gìn bản sắc văn hóa người Ê đê - Ảnh 3.

Chị H'len Niê chăm chút cho quán

Không có điều kiện đi nhiều nơi để học hỏi, chỉ là người nông dân chính hiệu, không được học hành nhiều nên thời gian đầu chị H'len không biết phải kinh doanh quán cà phê như thế nào. Mất một thời gian dài, chị xoay sở đủ kiểu chỉ để "học nghề".

Bản thân chị H'len lại không có kiến thức về marketing, PR để giới thiệu, quảng bá… nhưng vượt qua tất cả, chị H'Len quyết tâm thực hiện đam mê của bản thân là giữ gìn văn hóa buôn làng, dòng tộc, bởi theo chị bản thân văn hóa là cái đẹp, là cái riêng biệt, không điều gì có thể đánh đổi được.

Dựng không gian đậm chất Tây Nguyên, giữ gìn bản sắc văn hóa người Ê đê - Ảnh 4.

Chị H'len dùng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá Arul cafe đến với du khách

Công nghệ số chính là công cụ, chìa khóa để chị H'Len có thể lan tỏa những nét đẹp văn hóa của người Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và du khách nước ngoài. Trong một thế giới phẳng của công nghệ 4.0, chỉ cần một vài cú click chuột thì dù quốc gia nào, vào bất kỳ lúc nào cũng có thể lạc vào không gian thi vị, độc đáo từ kết cấu nhà sàn cho đến các vật dụng sinh hoạt đời thường đặt rải rác đầy chất mỹ thuật như chiêng, ché, ghế K'pan, trống H'gor, thuyền độc mộc, gùi, trang phục truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc... được gìn giữ nguyên bản.

Quán cà phê Arul được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Trong không gian rất đặc biệt mang đậm chất Ê đê này, chị H'len giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết, từ ý nghĩa hai chiếc cầu thang đực, cầu thang cái bắt lên nhà sàn cho đến bếp lửa truyền thống, các phong tục tập quán… và chính khách hàng là những người quảng cáo cho quán.

Không chọn những gì quá xa xôi mà bắt đầu ngay từ những gì thân thương nhất trong cuộc sống của mình để khởi nghiệp, dồn vào công việc tất cả công sức tâm huyết để lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với cộng đồng, chị H'len Niê đã thành công với mô hình triển lãm văn hóa Ê đê thu nhỏ, góp phần gìn giữ không gian văn hóa và môi trường xanh, thân thiện, đậm chất văn hóa bản địa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn