pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gần 200 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Hà Tĩnh thành hiện thực
Chị Nguyễn Thị Thắng là một trong những hộ trồng bưởi quy mô lớn (hơn 300 gốc) ở xóm 6, xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) đã sớm tiếp cận thông tin từ Đề án 939 để xây dựng ý tưởng sản xuất mới. 2 năm tham gia đề án, chị đã được tham dự tập huấn ở các lớp trang bị kiến thức khởi nghiệp và ứng dụng KHKT vào sản xuất do Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh và huyện tổ chức.
Hiện nay, Hội LHPN xã Hương Thủy đã thành lập được 1 tổ hợp tác trồng bưởi VietGap với sự tham gia của 12 hộ và đang tiếp tục nhân rộng mô hình nhằm tạo vùng sản phẩm đồng nhất về chất lượng, đủ năng lực, điều kiện liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Đề án 939 cùng với sự đồng hành tích cực của các cấp Hội phụ nữ cũng đã giúp HTX sản xuất nấm Thuận Thắng - xã Khánh Lộc phát triển quy mô và đổi mới cách làm để sản xuất bền vững hơn. Theo đó, sau khi tham gia các lớp "truyền lửa" khởi sự kinh doanh và các đợt tập huấn về kỹ thuật sản xuất mới, các thành viên HTX đã trăn trở, bàn bạc và đi tới quyết định tạo bước đột phá trong sản xuất.
Đề án 939 kết hợp cũng tạo điều kiện để phụ nữ Hà Tĩnh xây dựng các ý tưởng tham gia cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”do do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Trong đó có 2 ý tưởng đã được lọt vào vòng chung kết cấp Trung ương là: sản xuất men vi men vi sinh làm đệm lót trong chăn nuôi hướng tới môi trường xanh của chị Trần Thị Cường (thôn Lương Hội, xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc) và sử dụng pin năng lượng mặt trời vào chế biến nước mắm của chị Lê Thị Khương - Giám đốc Hợp tác xã Phú Khương, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh).
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh Tăng Thị Linh Chi cho biết, đề án 939 với sự vào cuộc hiệu quả hơn nữa của các cấp Hội phụ nữ cùng các địa phương và các cấp, ngành liên quan tiếp tục mang đến cơ hội mới cho hội viên, phụ nữ phát huy tiềm năng, lợi thế để nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, khẳng định vai trò to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.