Trước khi bước vào đời sống hôn nhân và lãnh nhận Bí tích Hôn Phối, các cặp đôi người Công giáo phải học qua lớp giáo lý hôn nhân, và phải có chứng chỉ trước ngày tổ chức hôn lễ. Đây cũng là một hoạt động thường niên của Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch (xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, Thái Bình), mỗi năm tổ chức một lần ngay sau dịp Tết Nguyên Đán.

Gia đình hạnh phúc nhờ tham gia lớp giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch

Trước khi bước vào đời sống hôn nhân và lãnh nhận Bí tích Hôn Phối, các cặp đôi người Công giáo phải học qua lớp giáo lý hôn nhân, và phải có chứng chỉ trước ngày tổ chức hôn lễ. Đây cũng là một hoạt động thường niên của Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch (xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, Thái Bình), mỗi năm tổ chức một lần ngay sau dịp Tết Nguyên Đán.

Trước thực trạng ly hôn ở giới trẻ ngày một gia tăng trong xã hội hiện đại, những năm trở lại đây các nhà thờ Công giáo đặc biệt chú trọng việc dạy giáo lý hôn nhân cho người trẻ. Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, các cặp đôi người Công giáo bắt buộc phải tham gia lớp học giáo lý hôn nhân. Đây là điều kiện để họ lãnh nhận Bí tích Hôn Phối và được tổ chức lễ cưới tại nhà thờ, trước sự chứng hôn của Hội Thánh.

Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch (xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, Thái Bình).

Số liệu thống kê cho thấy, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa rằng, cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa.

Để tìm hiểu lớp học tiền hôn nhân này, chúng tôi đã tìm về Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch – một trong những nhà thờ lớn và đẹp nhất miền Bắc. 

Nhà thờ tọa lạc trong một khu dân cư đông đúc, bao bọc xung quanh là cánh đồng xanh mát, một cảnh sắc rất đặc trưng của vùng châu thổ sông Hồng.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 2.

Toàn cảnh Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch, một trong những nhà thờ lớn và đẹp nhất miền Bắc.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 3.

Trời vào khoảng 2 giờ chiều, tuy đang buổi giao mùa từ Hạ sang Thu nhưng nắng vẫn còn gay gắt. Chị Trần Thị Miên (48 tuổi, trú thôn Bác Trạch Đông, xã Vân Trường) đang cần mẫn cắt cỏ trong khuôn viên nhà thờ. Vốn là người gốc đạo, chị Miên cũng lấy chồng là người cùng đạo.

Hôn nhân đến nay đã trên 15 năm với 5 mặt con, nhưng cả hai anh chị chưa lần nào xảy ra to tiếng, cãi vã, thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Bí quyết giữ lửa gia đình của chị Miên là hễ mỗi lần chồng uống rượu và to tiếng, chị thường đi làm việc khác. Một lúc sau chồng tỉnh rượu là gia đình lại hòa thuận, đầm ấm, yên vui.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 5.

Chị Trần Thị Miên, giáo dân Giáo xứ Bác Trạch.

Khác với thế hệ trẻ bây giờ, thời chị Miên kết hôn, nhà thờ chưa có lớp giáo lý hôn nhân. Chị học giáo lý qua những buổi sinh hoạt tôn giáo, nhưng chưa có một chuyên đề cụ thể về hôn nhân như dành cho các bạn trẻ bây giờ.

"Tuy nhiên, tôi nghĩ, việc giáo dục giáo lý hôn nhân cho thế hệ trẻ là cần thiết. Nếu không có lớp giáo lý ấy, làm sao những người trẻ nên vợ nên chồng được", chị Miên chia sẻ.

Linh mục phụ tá Nguyễn Văn Hải đang giảng đạo cho các giáo dân. Hầu hết toàn người già, có một số ít trung tuổi, những người trẻ ở đây đã đi nơi khác lập nghiệp. Muốn tìm lấy một người trẻ để hỏi việc học giáo lý hôn nhân, nhưng đi vòng quanh làng mấy hồi mà chỉ thấy người già và trẻ nhỏ.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 6.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 7.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 8.

Bà Trần (77 tuổi, trú tại thôn Bác Trạch Đông) như phân trần về việc này, ở đây từ lâu đã khó bắt được con tép. Người trẻ ở đây sớm học xong lớp 9 thì đi làm công ty bánh kẹo, lương 6-7 triệu một tháng. Còn như con của bà Trần, người lập nghiệp ở Hải Phòng, người lập nghiệp ở địa phương khác.

Mới đây, cháu trai của bà Trần vừa lập gia đình, cũng vừa đón con đầu lòng. Cháu gái lập gia đình sớm hơn người anh trai, đến nay đã hai mặt con. Cả hai cháu đều kinh qua lớp giáo lý hôn nhân, đời sống hôn nhân đều hòa thuận, yên vui, chiều chuộng nhau.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 10.

Bà Trần, giáo dân Giáo xứ Bác Trạch.

"Con tôi hay cháu tôi cũng vậy, không bao giờ cãi nhau. Nếu chồng có nóng tính, người vợ sẽ lẳng lặng đi làm việc khác, một lúc sau người vợ sẽ ngỏ ý nhẹ nhàng với chồng là không đồng tình việc đó, cần phải cải đi", bà Trần bộc bạch.

Cũng giống hoàn cảnh của bà Trần, bà Bùi Thị Duyên (67 tuổi, trú thôn Bác Trạch Đông) đã có 5 mặt con và 5 đứa cháu. Đời sống vợ chồng của các con cũng hòa thuận, ấm yên, không có gì trục trặc.

"Khi biết trong giáo xứ có lớp giáo lý hôn nhân cho các cháu trẻ, tâm trạng của tôi cũng như nhiều giáo dân khác đều rất vui vẻ. Chung vui với các cháu vì có hành trang vững chắc để bước vào đời sống hôn nhân bền vững", bà Duyên bày tỏ.

Dù đã nhiều lần gặng hỏi, nhưng các giáo dân ở đây đều chia sẻ rằng, ở họ đạo này rất ít trường hợp vợ chồng ly hôn, hoặc bồ bịch lăng nhăng. Điều này đúng với tinh thần hôn nhân của Đạo Công giáo, đơn nhất một vợ một chồng, bất khả phân ly và trung thành yêu thương nhau trọn đời.

Bí tích Hôn Phối là một trong 7 bí tích của Hội Thánh. Đây là việc hai tín hữu Kitô, một nam một nữ ưng thuận kết ước thành vợ thành chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh. Mục đích giúp phát triển tình yêu, tương trợ, bổ túc cho nhau trong mọi lĩnh vực, và chủ yếu trong đời sống tính dục, hướng đến sinh sản và giáo dục con cái.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 11.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 12.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 13.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 14.

Điều kiện để một người Công giáo lãnh nhận Bí tích Hôn Phối là phải đủ 18 tuổi trở lên và trước đó phải lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Cùng với đó, các cặp đôi phải học qua lớp giáo lý hôn nhân và được cấp chứng chỉ đã hoàn thành lớp giáo lý này.

Thông thường lớp giáo lý hôn nhân mỗi năm được tổ chức hai lần, mỗi lớp kéo dài từ 3 đến 6 tháng, mỗi tuần học trung bình 3 buổi. Các cặp đôi có thể đến bất cứ nhà nào gần nơi ở để đăng ký học, trước khi kết hôn các cặp đôi chỉ cần trình chứng chỉ này trước cha xứ. Cộng với thỏa mãn một vài yêu cầu khác theo Giáo luật Công giáo là đủ điều kiện lãnh nhận Bí tích Hôn Phối và được cử hành hôn lễ tại nhà thờ.

Linh mục Vũ Văn Hướng, Chánh xứ Đền Thánh Bác Trạch cho biết, do đặc điểm của giáo xứ, người trẻ chủ yếu đi lập nghiệp phương xa và thường về quê nhân dịp Tết Nguyên Đán. Vì lẽ đó, tranh thủ thời gian này, nhà thờ có tổ chức lớp học giáo lý hôn nhân cho những giáo dân trẻ. Khóa học kéo dài 2-3 tháng, mỗi tuần trung bình học 2 buổi, cũng có thời điểm mỗi tuần tổ chức được 3-4 buổi.

Chương trình lớp học chia ra làm 2 phần: 1. Ơn gọi hôn nhân; 2. Gia đình là Hội Thánh tại gia, với tổng 21 bài. Người dạy là linh mục chánh xứ, linh mục phụ tá và các giáo lý viên. Về những giáo lý viên này, họ là những giáo dân, hầu hết đã có gia đình, được nhà thờ đào tạo để giảng dạy giáo lý hôn nhân.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 16.

Tượng Đức Mẹ Lavang Thái Bình.

"Mỗi giáo lý đều quan trọng, nhưng tôi nhận thấy giáo lý hôn nhân đối với các bạn trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Giúp các bạn hiểu về bản chất của hôn nhân là như thế nào, hôn nhân công giáo là như thế nào, chứ không phải chỉ là vấn đề quan hệ xã hội. Giáo hội luôn nhấn mạnh vấn đề chung thủy một vợ một chồng trong đời sống hôn nhân", Linh mục Vũ Văn Hướng chia sẻ.

Khi các cặp đôi đã kết hôn xảy ra mâu thuẫn, cha xứ và Ban Trùm (còn gọi là Hội đồng Mục vụ, gồm các giáo dân trong giáo xứ, có nhiệm vụ tư vấn cho cha xứ, tham gia điều hành giáo xứ, săn sóc và cổ võ những sinh hoạt mục vụ) sẽ đứng ra hòa giải. Trong mọi trường hợp, Hội Thánh đều khuyến khích mọi người sống đời sống hôn nhân chung thủy với nhau.

"Sự chung thủy là điều quan trọng nhất trong đời sống hôn nhân của một gia đình Công giáo. Đây là điều bắt buộc, nếu một trong hai người – vợ hoặc chồng làm trái, có quan hệ một vợ hai ba chồng hoặc ngược lại thì vi phạm luật của Giáo hội và bị loại trừ ra khỏi Giáo hội", Linh mục Hướng giải thích.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 17.

Chặng đàng tháng giá 12: "Đức Chúa Giêsu sinh thì trên thánh giá"

Cũng theo Linh mục Hướng, lớp giáo lý hôn nhân trong các nhà thờ đã có từ lâu. Nhưng tùy thời mỗi khác, ngày xưa mức độ và quy mô giáo dục nhỏ hơn, chỉ thiên về đọc Kinh Thánh, đọc sách. Bây giờ việc học giáo lý hôn nhân được nâng cao hơn, được xây dựng thành một chuyên đề, một khóa học kéo dài nhằm đưa giáo lý công giáo sâu vào đời sống gia đình của các đôi vợ chồng.

Trường hợp các cặp đôi người Công giáo không học lớp giáo lý hôn nhân mà cố tình kết hôn với nhau thì đã phạm trọng tội trước Chúa. Dù đám cưới có tổ chức linh đình sẽ không có ai đến dự, nếu có người đến dự thì người này cũng sẽ mang trọng tội.

Dạy giáo lý hôn nhân tại Nhà thờ Giáo xứ Bác Trạch - Ảnh 18.

Những cặp đôi có bầu trước khi cưới cũng được coi là phạm trọng tội. Muốn được vào Thánh đường tổ chức lễ cưới và lãnh nhận Bí tích Hôn Phối, họ phải chờ sau khi sinh con xong và hoàn thành lớp giáo lý hôn nhân.

Với những quy định đó, Công giáo hướng người trẻ đến nhận thức chín chắn, tình yêu đồng hành với sự gắn kết biện chặt và trách nhiệm. Trách nhiệm giữa hai vợ chồng, đồng cam cộng khổ và trách nhiệm nuôi dạy con cái. Một đứa trẻ có một đời sống tinh thần lành mạnh là có sự quan tâm đầy đủ của cả cha lẫn mẹ.

Đối với những người ngoại đạo, nếu thấy lớp học này là ý nghĩa và cần thiết, đều có thể tham gia lớp học với tư cách tham dự viên. Các tham dự viên chỉ cần liên hệ với người tổ chức lớp học, thường là các cha xứ hoặc là đại diện của Ban Trùm để nắm rõ lịch học, nội dung học.

Bài, ảnh: Trường Hùng