Giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo với sự phát triển đất nước

25/11/2021 16:36
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ có giá trị trên lĩnh vực đạo đức, tinh thần mà còn có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đời sống xã hội và kinh tế.

Cần xem văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo như một nguồn lực

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng diễn ra vào ngày 24/11/2021, PGS.TS Chu Văn Tuấn -  Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - đã đóng góp ý kiến của mình về Giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo với sự phát triển đất nước.

PGS.TS Chu Văn Tuấn cho biết, đã có thời kỳ, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo không những không được xem là yếu tố đóng góp cho sự phát triển mà ngược lại, là nhân tố cản trở sự phát triển xã hội, hoặc tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Đó là thời kỳ mà tín ngưỡng, tôn giáo được xem là mê tín dị đoan, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bị hạn chế và ngăn chặn, nhiều công trình tín ngưỡng, tôn giáo bị phá bỏ.

PGS.TS Chu Văn Tuấn

PGS.TS Chu Văn Tuấn

Tuy nhiên, điều đó đã được thay đổi cùng với quá trình đổi mới đất nước. Đảng ta xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần này thì sẽ không có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vậy thì văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo có đóng góp gì cho sự phát triển của đời sống xã hội và kinh tế? Phải chăng tín ngưỡng, tôn giáo chỉ có đóng góp trên lĩnh vực đạo đức, tinh thần? Tôn giáo có góp gì cho phát triển kinh tế - xã hội hay không?

Để có thể giải đáp câu hỏi này, theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, chúng ta cần xem văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo như một nguồn lực. Để phát triển đất nước, chúng ta cần rất nhiều nguồn lực, tổng thể các nguồn lực như nguồn lực tự nhiên (tài nguyên, khoáng sản, đất đai, biển…), nguồn lực con người (lực lượng lao động, đội ngũ trí thức, nhân tài…), nguồn lực nhân văn (tư tưởng, triết lý, kinh nghiệm, đạo đức, tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của con người…). Nói cách khác, để phát triển đất nước, chúng ta cần đến nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần. Văn hóa nói chung, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng không chỉ đóng góp vào nguồn lực vật chất mà cả nguồn lực tinh thần cho sự phát triển xã hội.

PGS.TS Chu Văn Tuấn cho rằng, các tín ngưỡng, tôn giáo góp phần tạo ra các di tích văn hóa, các di vật là những bảo vật quốc gia, những quần thể di tích, danh lam thắng cảnh chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… Đây chính là nguồn "tài nguyên" quý giá cho sự phát triển đất nước. Đáng chú ý, nguồn "tài nguyên" này có thể vừa bảo tồn, vừa khai thác một cách bền vững mà không lo "cạn kiệt" như nguồn tài nguyên thiên nhiên.

"Cốt lõi của phát triển bền vững, theo chúng tôi đó chính là cần khai thác nhiều hơn nguồn lực văn hóa, nhân văn, nguồn lực con người, chứ không phải là nguồn lực tự nhiên. Cơ cấu hợp lý của phát triển bền vững có lẽ nên là: khai thác nguồn lực tự nhiên từ 20-30%, khai thác nguồn lực văn hóa, nhân văn, con người từ 70-80%.

Nếu như nhìn vào cơ cấu, tỷ lệ này ở Việt Nam hiện nay thì có thể thấy, chúng ta đang khai thác quá nhiều tài nguyên thiên nhiên, mà đang khai thác ít (hoặc khai thác thiếu hiệu quả) nguồn lực văn hóa, nguồn lực nhân văn. Phải chăng chúng ta chưa nhìn thấy, chưa đánh giá đúng mức vai trò của nguồn lực văn hóa, nguồn lực nhân văn? Hay chúng ta đã nhìn thấy, nhưng chúng ta chưa biết cách khai thác?", PGS.TS Chu Văn Tuấn đặt câu hỏi.

Tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội từ du lịch tâm linh

PGS.TS Chu Văn Tuấn nhận định: Hiện nay, các giá trị của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã bước đầu được khai thác phục vụ mục đích du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã cho thấy tầm quan trọng của du lịch trong phát triển đất nước.

Trong những năm qua, du lịch tâm linh đã trở thành một xu hướng thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Các địa điểm du lịch và lễ hội nổi tiếng như chùa Hương, Yên Tử, Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam, Núi Bà Đen Tây Ninh, Lễ hội Katé ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Thánh địa La Vang (Quảng Trị), Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)… thu hút hàng triệu lượt khách tham quan du lịch mỗi năm. Nhiều địa phương đã khai thác các di sản tín ngưỡng, tôn giáo (vật thể, phi vật thể) để xây dựng các điểm tham quan, du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh thu hút du khách

Chùa Hương là một điểm du lịch tâm linh thu hút du khách

Nhiều nơi không chỉ khai thác, phát triển từ những di sản sẵn có, còn xây dựng mới các công trình tín ngưỡng, tôn giáo mới. Trước thành công và hiệu quả mang lại của một số mô hình du lịch tâm linh, đã thúc đẩy nhiều địa phương đề xuất kế hoạch phát triển hình thức này, thậm chí đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng dự án du lịch tâm linh với quy mô rất lớn.

Các địa phương quan tâm đến phát triển du lịch tâm linh không chỉ bởi nguồn thu cho ngân sách hằng năm, mà còn mong đợi du lịch tâm linh sẽ mang lại tác động tích cực khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thông qua phát triển du lịch tâm linh, một lực lượng lao động không nhỏ tại địa phương có công ăn việc làm bằng việc tham gia vào rất nhiều dịch vụ đi kèm như các hàng hóa, sản phẩm phục vụ khách du lịch, dịch vụ giao thông, vận tải, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí.

Thông qua phát triển du lịch, khi lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch đông, các ngành kinh tế khác của địa phương cũng được kích thích phát triển như các ngành nghề nông nghiệp, thủ công nghiệp (ví dụ các ngành nghề truyền thống: mây tre đan, dệt, gốm sứ, mộc…). Sản phẩm của các ngành nghề tại địa phương có dịp quảng bá rộng rãi hơn, tiêu thụ được nhiều hơn, có cơ hội để ký kết, hợp tác trong sản xuất, kinh danh, tiêu thụ sản phẩm với các đối tác trong và ngoài nước…

Như vậy, nếu như các địa phương biết khai thác các di sản tín ngưỡng, tôn giáo để phát triển du lịch một cách có chiến lược, có mục tiêu rõ ràng và hướng đến phát triển bền vững thì có thể kích thích phát triển kinh tế xã hội của địa phương rất hiệu quả. Không chỉ là các ngành nghề liên quan đến du lịch mới được phát triển mà tất cả các ngành, lĩnh vực khác cũng được kích thích phát triển. Thông qua đó, cơ sở hạ tầng của địa phương cũng được xây dựng và phát triển, những cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với địa phương cũng vì thế mà được mở rộng.

"Lấy một ví dụ để chúng ta dễ hình dung, nếu như mỗi địa phương thu hút được 1 triệu du khách/năm, và mỗi du khách chỉ chi tiêu 1 triệu/người thì địa phương đó đã thu được 1.000 tỷ đồng/năm. Nếu như số du khách tăng lên, số tiền mà du khách bỏ ra chi tiêu khi đến địa phương tham quan tăng lên thì có thể nói con số sẽ gấp nhiều lần. Ngoài số tiền thu được như trên, các địa phương còn thu được những lợi ích khác cho phát triển kinh tế xã hội", PGS.TS Chu Văn Tuấn cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn