Giai đoạn mới của cuộc đời

20/09/2021 17:08
Có người hài lòng, hạnh phúc với những gì gần gũi, thân thuộc và chẳng có nhu cầu thay đổi hay phá vỡ khuôn khổ bền vững. Ảnh minh họa

Có người hài lòng, hạnh phúc với những gì gần gũi, thân thuộc và chẳng có nhu cầu thay đổi hay phá vỡ khuôn khổ bền vững. Ảnh minh họa

Có người hài lòng, hạnh phúc với những gì gần gũi, thân thuộc và chẳng có nhu cầu thay đổi hay phá vỡ khuôn khổ bền vững. Nhưng nhiều người khác lại đi theo lý tưởng "xê dịch", không ngừng tìm kiếm và khám phá những điều mới mẻ từ sự khác biệt về tư duy văn hóa, lối sống, ngôn ngữ.

Có ai cả đời chỉ ở một chỗ hay không? Tôi đã có cơ hội được đặt chân tới nhiều nơi ở Việt Nam cũng như trên thế giới, gặp gỡ những người bản địa mà suốt hơn nửa thế kỷ qua, họ chưa một lần rời khỏi thị trấn hay thành phố mình sinh ra vào lớn lên. Những thói quen của họ lặp đi lặp lại mỗi ngày, với ngần ấy hoạt động từ sáng đến tối, từ năm này qua năm khác cùng bấy nhiêu gương mặt quen thuộc già đi cùng nhau. Trải qua biết bao cột mốc thời gian của lịch sử, chuỗi thói quen ấy trở thành bản sắc văn hóa của mỗi vùng đất. Ở Paris, cứ buổi sáng là người ta lại ngồi uống cà phê, ăn bánh sừng bò. Nhật Bản có truyền thống "hanami" vào mỗi dịp hoa anh đào nở rộ, người dân diện trang phục truyền thống vào công viên ngồi dưới tán hoa để dã ngoại, ca hát và uống rượu sake.

Có người hài lòng, hạnh phúc với những gì gần gũi, thân thuộc và chẳng có nhu cầu thay đổi hay phá vỡ khuôn khổ bền vững. Nhưng nhiều người khác lại đi theo lý tưởng "xê dịch", không ngừng tìm kiếm và khám phá những điều mới mẻ từ sự khác biệt về tư duy văn hóa, lối sống, ngôn ngữ.

Với tôi, con người ta không được lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể đến bất cứ đâu trong từng giai đoạn của cuộc đời, miễn là nơi đó hợp với mình và đem lại được nhiều năng lượng tích cực. Thích nghi ở một môi trường mới luôn giúp bản thân chúng ta học được cách sinh tồn từ sự thay đổi.

Ngày nay, du lịch trở nên quá dễ dàng và thuận tiện, tới mức nó trở thành một thói quen khó bỏ với nhiều người, trong đó có tôi. Biết bao nhiêu trích dẫn, lý tưởng về du lịch như "Cuộc đời là những chuyến đi", "Đầu tư vào du lịch là khoản đầu tư cho bản thân", "Cứ mơ và mơ đi"... đã truyền cảm hứng cho nhiều người lên đường. Đi du lịch đem lại cho bạn những trải nghiệm - thứ mà ngồi nhà sẽ không bao giờ có được. Bây giờ, đến cuối tuần xách vali sang Thái Lan, Singapore và trở về nhà vào buổi sáng đầu tuần, thẳng từ sân bay về văn phòng đã không còn là chuyện khó khăn.

Trước đây, khi đất nước còn nghèo và chuyện ăn, chuyện mặc còn chưa đủ, nhiều thế hệ không có mấy khái niệm về chuyện du lịch, đôi khi chỉ là thành phố về quê hay dọc ngang ba miền Tổ quốc. Có nhiều người thời ấy chỉ đi một chuyến ra nước ngoài ngắn ngủi chưa đến một tháng sang châu Âu, châu Mỹ mà khi về nhà, họ kể mãi vẫn chưa hết chuyện.

Giai đoạn mới của cuộc đời - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Công nghệ ngày nay giúp cho việc du lịch trở nên nhanh và tiện lợi hơn nhiều. Ta không còn phải nhớ bản đồ hay cần phiên dịch viên, mọi thứ đã có máy móc hiện đại lo, việc của chúng ta chỉ là đi, ăn, chơi.

Những người xung quanh tôi, dù là độc thân, đang có gia đình hay đã ly hôn thì đều thích đi vì rất nhiều lý do. Không chỉ trải nghiệm, du lịch còn là cách cân bằng cuộc sống sau những ngày lặp đi lặp lại thời gian biểu, cũng là cách chữa lành cho những tổn thương trong một thực tại u ám mà có thể nhiều người đang muốn trốn khỏi đó, dù chỉ trong chốc lát.

Nhưng rồi dịch bệnh ập tới, định hình lại thế giới, thay đổi thói quen "xê dịch". Trước khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, tôi và những người xung quanh vẫn hào hứng cho một thập niên mới, với những dự định đi đây đi đó, những thói quen tới tháng này phải đi đâu, mùa xuân đi ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản, mùa hè đi Ý uống rượu vang, mùa thu làm chuyến đi Canada ngắm lá đỏ... Nhưng dịch bệnh đã chứng tỏ sức tàn phá của nó khủng khiếp như thế nào. Những sân bay quốc tế trở nên vắng lặng. Nhiều khách sạn, nhà hàng bỗng chốc phải đóng cửa rồi phá sản. Hàng triệu người mất việc chỉ sau một đêm.

"Ai đang ở đâu thì ở nguyên đấy" - đó là câu tôi được nghe nhiều nhất. Để an toàn, chúng ta phải thay đổi thói quen cũ và bắt đầu một thói quen mới. "Ở nhà" - tưởng như là điều đơn giản nhưng lại rất mới mẻ trong thế giới hiện đại, khi mà con người ta đã quá quen với việc dịch chuyển.

Từ khi có dịch bệnh với loại virus lây lan nhanh chưa từng có trong lịch sử loài người, mọi chuyến đi phải ngưng lại hết, các vùng đất mới đang chờ khám phá thì tiếp tục chờ. Khi ở nhà, chúng ta chỉ có "lương khô" là những bức ảnh cũ, những câu chuyện cũ lôi ra gặm nhấm.

Những người quen với việc dịch chuyển có xu hướng trở nên trầm cảm khi bị giam chân quá lâu. Mọi thứ bỗng dưng bị đảo lộn và những giá trị của việc đi du lịch, sự tự do, phóng khoáng mà chúng ta tôn thờ bấy lâu nay đột ngột tan biến, chỉ còn lại cảm giác tù túng, vật vã trong một vòng quay chật hẹp. Thói quen nào rồi cũng sẽ bị thay đổi khi thế giới thay đổi. Dịch bệnh xuất hiện, thay đổi cách chúng ta vận hành cuộc sống hàng ngày.

Sau hơn một năm sống trong dịch bệnh, tôi thậm chí còn quên việc phải đặt vé máy bay như thế nào, có những thủ tục gì, trang web tìm kiếm nhiều chuyến bay một lúc là gì. Có lẽ sau này, khi Covid-19 đã trở thành một thứ "cũ" và được đi du lịch thoải mái trở lại, chúng ta sẽ chẳng thể đi theo cách cũ nữa. Trước đó, tôi chỉ thấy duy nhất ở Nhật Bản, người ta có thói quen đeo khẩu trang ở nơi công cộng, vì có thể họ bị cúm và không muốn ảnh hưởng đến người khác hay họ thấy không khí ô nhiễm và không muốn hít thở môi trường độc hại. Nhưng giờ đây, khẩu trang trở thành vật bất ly thân với hàng tỉ người trên thế giới mỗi khi ra đường, giống như điện thoại.

Covid-19 xuất hiện và cho chúng ta khoảng thời gian dài bất tận để nhìn nhận lại mọi thứ, phải tự học cách hài lòng, tìm niềm vui và sự an toàn ở những giá trị bên trong, thay cho những hào nhoáng bên ngoài. Mặt khác, việc buộc phải thay đổi một thói quen yêu thích, như đi du lịch, khiến chúng ta học được cách thích ứng để lạc quan đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống.

Khi mỗi thói quen trở thành "cũ" thì đó là thêm một lần chúng ta học được cách buông bỏ quá khứ và bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.