Giải quyết nỗi 'nhớ vợ' của những anh chồng rời quê lên phố

11/10/2018 - 06:55
Vì mục đích phát triển kinh tế gia đình, ngày càng có nhiều những người chồng rời quê lên phố tìm việc làm. Tuy nhiên đằng sau những lợi ích về vật chất vẫn còn đó những trăn trở về hạnh phúc gia đình.

Xa nhà… nhớ vợ

Từ nhiều năm nay, khu vực phường Giáp Bát (Hà Nội), đặc biệt là ở bến xe, quy tụ rất nhiều nam giới hành nghề xe ôm là dân từ dưới Nam Định di cư lên. Có những xã ở khu vực huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Trực Ninh… con số lên đến cả trăm người. Họ hầu hết là những người quen, họ hàng, làng xóm rủ nhau lên cùng làm ăn, cùng chia sẻ địa bàn và đa số đều chọn cách 5 đến 8 người thuê chung một phòng trọ để ở cho tiết kiệm.

Tuy nhiên, với anh Nguyễn Văn H, 42 tuổi, ở Xuân Trường (Nam Định) lại không chọn cách này. Ngay từ tháng 3/2015, khi mới lên Hà Nội, dù còn là chân ướt chân ráo, chưa kiếm được nhiều tiền, nhưng anh vẫn chọn thuê ngay cho mình một phòng 12m2 với giá tiền khi ấy là 500 ngàn. Với các anh em chạy xe khác, đây là một cách chơi rất sang. Ai cũng bảo anh đi làm ăn mà ở hoang như thế thì tốn kém quá.

Người di cư, đôi khi không chống lại được những cám dỗ của cuộc sống nơi thị thành - Ảnh minh họa
 

Nhưng một thời gian sau người cùng quê mới ngỡ ngàng nhận ra anh T. không phải ở một mình. Có một phụ nữ khác chuyển đến ở cùng anh. Chị này cũng bán hàng rong ở bến xe, đã có chồng và 2 con ở quê. Các buổi sáng, họ đường ai nấy đi, việc ai nấy làm.  Tối về, hai người nấu cơm, ăn chung, ngủ chung, chia tiền chung tiền cho các khoản chi phí. Tiền kiếm được hàng tháng, họ vẫn chắt chiu dành dụm để gửi về quê đều đặn cho gia đình. Đôi tháng một lần, cả hai đều thu xếp cùng thời điểm ai về nhà nấy trong một đôi ngày...

Với anh Lã Văn T., 38 tuổi, cũng quê Giao Thuỷ, Nam Định, là thợ xây từng làm việc dài ngày trên công trình tại khu đô thị mới Việt Hưng (Gia Lâm). Dạo mới lên, hầu như tháng nào anh cũng xin cai thầu nghỉ hai ngày về quê với lý do mang tiền về cho vợ. Lần nào anh về, mọi người đều cười, trêu “lính mới, nhớ vợ”. Nhưng, hơn nửa năm sau, tần suất anh T. xin nghỉ làm về quê ít dần, sau đó thưa hẳn. Mỗi khi vợ cần tiền, anh mang ra bến nhờ nhà xe chuyển về giúp. Khi vợ gọi điện hỏi “Sao lâu về?”, anh bảo “Công trình đang phải gấp rút hoàn thiện, nhiều việc lắm, không thể xin nghỉ được”…

Thực tế, anh bắt đầu "sa ngã" với những cám dỗ nơi thị thành. Những chiều được nghỉ sớm, anh đã theo chân một số anh lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm ra bến xe bus, bắt xe đi lên khu vực chợ Long Biên. Ở đấy, họ “bắt khách” với một số chị em trong xóm lao động di cư nghèo. Giá để chi trả cho mỗi lần cũng không quá đắt… Anh T. tính toán, đi thế này so với việc thường xuyên về quê gặp vợ thì đỡ mệt, đỡ mất thời gian, đỡ tốn kém tiền bạc hơn…

Ở nước ta, di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác tăng từ 1,3 triệu người (năm 1989) lên 3,4 triệu người (năm 2009). Dự báo dân số cho thấy, dòng dân di cư giữa các tỉnh sẽ tăng lên gần 6 triệu người, chiếm 6,4% tổng dân số vào năm 2019 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Hạnh phúc chênh vênh…

Mọi việc trong “gia đình nhỏ” của anh Nguyễn Văn H. diễn ra khá êm xuôi trong một thời gian dài. Hầu hết anh em trong làng biết chuyện nhưng ngại va chạm nên cũng giấu diếm cho anh.

Tuy nhiên, lần ấy, một người trong số họ không may có khúc mắc với anh H. về chuyện tranh giành khách. Khi về làng, uống rượu say, người này vô tình buột miệng kể ra chuyện anh H. đang lập phòng nhì ở trên Hà Nội. Ngay lập tức, vợ anh H. dẫn ngay 3 cậu em họ bắt xe lên tận nơi. Sự thật bị phơi bày. Người phụ nữ kia bị dọa phải nhanh chóng dọn đồ tháo thân. Còn anh H. thì bị áp giải về quê nhưng từ đó anh và vợ gần như ly thân, bị đay nghiến,  bị tước hết mọi quyền hành về kinh tế…

Còn với anh Lã Văn T., điều anh chưa bao giờ ngờ tới là do thiếu hiểu biết, sau những  lần “chặc lưỡi quan hệ”, anh đã bị lây nhiễm bệnh qua đường tình dục. Khi bệnh trầm trọng, việc chữa trị kéo dài, tốn kém đã khiến anh phải trở về quê. Nhưng khi này, tình cảm vợ chồng đã rạn nứt và vợ anh luôn sợ phải gần chồng…

Trước đó, theo nghiên cứu về lao động di cư của Trung tâm Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT): Phần lớn lao động di cư không hoặc hiểu biết rất sơ sài về sức khỏe và an toàn tình dục; Chỉ có 43% số lao động ngoại tỉnh cho biết có sử dụng bao cao su trong tất cả những lần quan hệ tình dục, 29% số người nói có sử dụng bao cao su nhưng chỉ khoảng một nửa số lần gần gũi bạn tình; không ít nam giới di cư đã chọn cách “ăn phở trả tiền” hoặc có bạn tình lâu dài ở thành phố. Đây chính là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ phụ nữ bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục một cách thụ động từ những nam giới di cư…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm