Giải quyết ô nhiễm, làm giàu từ rác thải nhựa và nilon

05/06/2018 - 16:42
Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, có tới 5.000 tỉ túi nhựa được sử dụng trên thế giới mỗi năm. Nếu xếp chúng cạnh nhau thì có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Trước tình hình đó, nhiều phụ nữ đang tiên phong hành động nhằm hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa gây ô nhiễm đất đai và đại dương và làm giàu từ rác thải nhựa và nilon.
rac-thai-nhua-2.jpg
Rác thải gây ô nhiễm biển và đất đai
 
Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay có chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Chương trình Môi trường Liêp hợp quốc (UNEP) đã công bố một báo cáo cho biết chỉ 9% trong số 9 tỉ tấn đồ nhựa được sản xuất trên thế giới từ trước tới nay là có thể tái chế được. Hầu hết số còn lại đều kết thúc tại các hố chôn rác, đống rác lộ thiên hoặc bị vứt ra môi trường.
 
UNEP kêu gọi các chính phủ cân nhắc lệnh cấm hoặc đánh thuế các loại túi nilon sử dụng một lần nhằm ngăn chặn ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần phân loại rác tốt hơn và tái chế rác, có các hình thức hỗ trợ bằng kinh tế nhằm thúc đẩy các biện pháp thân thiện với môi trường để thay thế đồ nhựa, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và khuyến khích các sản phẩm tái sử dụng được.
 
isatou-ceesay-1.jpg
Cô Isatou Ceesay (áo hồng) đang hướng dẫn nhiều chị em làm đồ thủ công bằng túi nhựa tái chế
 
Không cần những lời kêu gọi khẩn thiết đó, nhiều năm nay, phụ nữ đã đi đầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa và nilon trên thế giới. Giống như nhiều phụ nữ ở Gambia, cô Isatou Ceesay buộc phải bỏ học khi còn nhỏ nhưng điều đó không có nghĩa là cô đã quên đi những thách thức môi trường xung quanh mình. Những chiếc túi nhựa màu sắc mà cô từng ngưỡng mộ giờ đây chính là nguyên nhân gây ra rác rưởi khắp làng của cô. Khác với những cái giỏ dệt mà cộng đồng của cô từng sử dụng, chúng không bao giờ bị phân hủy. Vì vậy, năm 1997, cô Ceesay đã thành lập Nhóm Tái Chế và thu thập Njau. Sáng kiến tái chế cộng đồng mang tính cách mạng này biến chất thải thành sự giàu có: Phụ nữ thu thập các vật liệu có thể tái chế và đưa đến trung tâm để họ tái chế và làm chúng trở thành túi, ví và nhiều thứ nữa. Ngày nay, Ceesay được biết đến là "Nữ hoàng Tái chế” ở The Gambia" và hàng trăm phụ nữ có thu nhập nhờ tổ chức của cô.
 
isatou-ceesay-2.jpg
Sản phẩm được làm ra từ đồ tái chế
 
Còn cô Ciru Segal là người sáng lập ra Công ty Plastic Fantastic (Kenya) chuyên tái chế các loại chai, nilon và túi nhựa, biến chúng thành đồ trang sức, túi xách. Segal luôn hồi tưởng đến không khí trong lành, môi trường sạch sẽ thuở cô còn bé. Đến nay, người dân thủ đô Nairobi hàng tháng sử dụng đến 2 triệu túi nilon khiến rác thải ngập tràn, nghẽn cả hệ thống thoát nước trên đường phố.
 
ciru-segal.jpg
Công ty Plastic Fantastic
 
Hiện công ty Plastic Fantastic của cô đang tạo công ăn việc làm cho hàng trăm phụ nữ Kenya khi chính họ thay đổi nhận thức về việc xử lý rác thải, tái chế túi nhựa để làm hàng thủ công mỹ nghệ. Đó là cách tăng thu nhập vừa bảo vệ môi trường một cách bền vững hơn.
 
veronika-richterov-2.jpg
Nghệ sĩ người Czech Veronika Richterová
 
Nữ nghệ sĩ người Czech Veronika Richterová thì tái sử dụng hàng nghìn vỏ chai nhựa, tự tìm tòi rất nhiều cách để tạo hình chúng. Bà còn có hẳn một bảo tàng "nghệ thuật nhựa PET" trưng bày các mẫu chai nhựa mình thu thập được từ khắp nơi trên thế giới. Hiện bảo tàng này lưu trữ khoảng 3.000 mẫu chai từ 76 quốc gia.
 
veronika-richterov-1.jpg
Nghệ sĩ Veronika Richterová hướng dẫn chị em tái chế chai nhựa
 
Tại Indonesia, từ lâu nay nổi tiếng có nhà hàng Methane Gas Canteen do vợ chồng ông Sarimin và bà Suyatmi điều hành gần bãi rác Jatibarang ở Semarang, Trung Java. Đó là một ngọn núi chất đầy rác thải, nơi những người dân nghèo địa phương dành cả ngày để lượm nhặt chai lọ và túi nilon đem bán. Điều khiến nhà hàng trở nên kỳ lạ còn ở chỗ không yêu cầu thực khách phải trả bằng tiền mặt. Thay vào đó, những người bới rác nghèo khó có thể dùng những đồ phế liệu mà họ nhặt được để đổi lấy 1 bữa ăn. Ông bà chủ sẽ cân số đồ nhựa mà các thực khách mang tới, tính giá trị của chúng, khấu trừ vào tiền ăn rồi trả lại số tiền thừa mà họ nhận được. Cách làm này là một phần trong giải pháp cộng đồng nhằm giảm thiểu rác thải tại các bãi rác và tái chế đồ nhựa. 40% trong tổng số 800 tấn rác được đưa tới đây mỗi ngày là nhựa không phân hủy được.
 
suyatmi.jpg
Khách đổi rác lấy thức ăn ở nhà hàng Methane Gas Canteen

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm