Giáo viên vùng cao vượt khó, đến tận nhà giao bài tập cho học sinh

15/09/2021 09:58
Giáo viên vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk đến tận nhà học sinh để giao bài tập. Ảnh: Bảo Trung

Giáo viên vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk đến tận nhà học sinh để giao bài tập. Ảnh: Bảo Trung

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều địa phương đang triển khai dạy học trực tuyến. Tại các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk, việc triển khai học trực tuyến gặp nhiều khó khăn. Ngành Giáo dục và giáo viên ở những địa phương này đã có nhiều giải pháp đảm bảo việc dạy và học cho học sinh.

Nhiều học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến

Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) có hơn 650 học sinh, trong đó hơn 200 học sinh bậc THCS. Đa số các em là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên không có điều kiện mua sắm điện thoại thông minh hoặc laptop để học trực tuyến.

Thầy giáo Lê Hoài Lâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ea Trol cho biết, nhà trường chỉ tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh bậc THCS. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ phân lớp học thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các em học sinh có kết nối ứng dụng zalo, giáo viên sẽ đưa nội dung bài học, bài tập lên nhóm và hướng dẫn các em tự học. Nhóm thứ 2 là các em không sử dụng ứng dụng zalo, đối với nhóm này giáo viên chủ nhiệm sẽ đến tận nhà học sinh để đưa tài liệu và hướng dẫn cho các em tự học.

"Từ sau ngày khai giảng năm học mới, cô giáo giao bài tập ở trên ứng dụng zalo, rồi em chép lại những câu hỏi trong vở, sau đó tự tìm hiểu trong sách. Trong quá trình học, cô giáo cũng có hướng dẫn thêm. Em cũng mong hết dịch để tụi em cùng đi học", em Nguyễn Thị Mỹ Duyên (học sinh lớp 7B, Trường Tiểu học và THCS Ea Trol) cho biết.

Giáo viên vùng cao vượt khó, đến tận nhà giao bài tập cho học sinh - Ảnh 1.

Em Nguyễn Thị Mỹ Duyên tự học tại nhà qua hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Thanh Thắng

Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) năm học này có 11 lớp, với 327 học sinh, trong đó 272 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và khoảng 50% em thuộc hộ nghèo. Chưa kể, nhiều gia đình phụ huynh có từ 2 đến 3 con cùng đi học nên việc mua sắm thiết bị phục vụ việc học trực tuyến đối với các em rất hạn chế. Toàn trường chỉ có khoảng 15 - 20% học sinh có đủ điều kiện để học trực tuyến.

"Trước tình hình này, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học dưới nhiều hình thức. Cụ thể, học sinh nào có thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh thì học trực tuyến; học sinh nào mà gia đình chỉ có ti vi thì hướng dẫn cho các em học trên kênh VTV7 và các kênh truyền hình khác. Đối với những em gia đình không có thiết bị gì thì giáo viên biên soạn bài dạy, câu hỏi kiểm tra, in sao rồi chuyển cho học sinh và hướng dẫn các em học tập", cô giáo Phạm Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu cho hay.

Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh, nhiều học sinh, giáo viên không đủ điều kiện dạy và học trực tuyến, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dạy học phù hợp với điều kiện của học sinh

Theo ông Khoa, một trong những khó khăn để triển khai dạy học trực tuyến là nhiều học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa thiếu thiết bị học trực tuyến. Khả năng sử dụng công nghệ thông tin của nhiều học sinh tiểu học, một bộ phận học sinh trung học còn hạn chế, kỹ năng học tập trực tuyến chưa cao. Nhiều giáo viên lớn tuổi kỹ năng dạy học trực tuyến chưa thành thạo.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức dạy học trong thời gian học sinh không thể đến trường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa được đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục... đã tạo những khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các nhà trường phân loại đối tượng, xây dựng các kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện của từng học sinh.

Giáo viên vùng cao vượt khó, đến tận nhà giao bài tập cho học sinh - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đối với học sinh không có máy tính, điện thoại, tivi, nhà trường chỉ đạo giáo viên biên soạn bài dạy, câu hỏi kiểm tra, hướng dẫn học tập để in sao, chuyển cho học sinh học tập; có kế hoạch theo dõi, đánh giá, nắm bắt tình hình học tập của học sinh để có những điều chỉnh kịp thời.

Riêng học sinh tiểu học, các thầy, cô giáo tăng cường tổ chức giao bài cho học sinh bằng hình thức phiếu học tập để hướng dẫn học sinh tự học tại nhà.

"Các trường bố trí thời gian học phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Cuối mỗi tuần học, nhà trường đánh giá việc thực hiện các hình thức dạy học để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Tuyệt đối không vì chạy theo tiến độ chương trình mà làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, gây khó khăn cho phụ huynh, các cháu trong việc tiếp cận các hình thức dạy học", ông Khoa cho biết.

Còn tại Phú Yên, từ đầu năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên yêu cầu các trường xây dựng kế dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện của các trường, trong đó có cả hình thức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, khi bước vào năm học mới, các trường ở các huyện miền núi như: Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh gặp rất nhiều trở ngại trong việc dạy học linh hoạt. Đồng bào nhiều nơi ở miền núi không có điều kiện cho con em tham gia học trực tuyến.

Ông Ngô Ngọc Thư - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho biết, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tuy đã giảm nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát trở lại nên việc dạy và học ở nhiều địa phương khá lúng túng.

"Chúng tôi tìm mọi cách tiếp cận những học sinh không có điều kiện học qua internet, để bổ sung kiến thức cho học sinh. Rà soát lại chương trình thật kỹ để làm sao học sinh ở các khu vực miền núi tiếp cận được nội dung chương trình một cách đầy đủ như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định", ông Thư cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.