Giúp việc nhà 24/7 theo mô hình Uber

03/04/2018 - 14:54
Sau khi cài đặt và truy cập ứng dụng viecnhanhanh trên điện thoại, giống như khi gọi taxi uber, khách hàng có nhu cầu việc nhà sẽ nhìn thấy các nhà cung cấp dịch vụ trên bản đồ số và đặt mua dịch vụ trực tiếp hoặc hẹn lịch, đồng thời sẽ được hưởng ưu đãi khi tham gia.
img_8153.JPG

Nhóm tác giả của ứng dụng viecnhannhanh - Ảnh: NVCC 


“Uber giúp việc gia đình”

Thay vì phải tìm đến các công ty cung ứng việc làm, giờ đây, cả khách hàng và người có nhu cầu đi làm giúp việc chỉ cần bỏ ra vài giây đăng ký thông qua ứng dụng viecnhanhanh trên điện thoại di động. Ứng dụng là thành quả nghiên cứu của nhóm thầy và trò khoa Công nghệ thông tin (CNTT), trường ĐH Mỏ Địa chất, được đánh giá có tính khả thi cao.

Thầy Phan Mạnh Tiến, khoa CNTT, trường ĐH Mỏ Địa chất, một trong số tác giả của ứng dụng viecnhannhanh cho biết: Với sự phát triển của CNTT, Internet và các thiết bị di động thông minh, một số mô hình kết nối dịch vụ mới đã ra đời như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải, làm đẹp tại nhà, đào tạo, gia sư…

Qua nghiên cứu thị trường, nhóm nhận thấy, có một dịch vụ cũng có thể ứng dụng theo mô hình Uber này là tìm người giúp việc nhà. Lâu nay, các công ty cung ứng việc làm, trong đó có giúp việc gia đình chủ yếu hoạt động theo hình thức môi giới.

Do đó, bên cung ứng việc làm và bên sử dụng việc làm không được trao đổi trực tiếp với nhau. Trong khi đó, hình thức “tìm người giúp việc nhà theo mô hình Uber” nếu được ứng dụng thành công sẽ khắc phục được nhược điểm trên.

Hai bên khách hàng và người làm giúp việc được kết nối trực tiếp với nhau thông qua ứng dụng trên điện thoại. Thêm vào đó, hạ tầng CNTT của Việt Nam hiện rất tốt với 43% dân số thường xuyên sử dụng mạng internet, 23% dân số thường xuyên sử dụng thiết bị di động thông minh có kết nối mạng nên việc ứng dụng tìm việc nhà nhanh hoàn toàn khả thi, đem lại lợi ích lớn cho các bên tham gia.

Từ việc xác định hướng đi đúng, cách đây 1 năm, thầy Nguyễn Quang Khánh, trưởng khoa CNTT cùng nhóm nghiên cứu gồm một số giảng viên và sinh viên (SV) năm cuối, cựu SV ở các chuyên ngành Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính bắt tay vào viết ứng dụng Uber “giúp việc gia đình”.

Thao tác sử dụng ứng dụng rất đơn giản. Sau khi cài đặt và truy cập ứng dụng viecnhanhanh trên điện thoại, giống như khi gọi taxi uber, khách hàng có nhu cầu việc nhà sẽ nhìn thấy các nhà cung cấp dịch vụ trên bản đồ số và đặt mua dịch vụ trực tiếp hoặc hẹn lịch, đồng thời khi tham gia khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi theo chương trình Khách hàng thân thiết.

Tương tự, người cung cấp dịch vụ giúp việc cũng được chủ động thời gian biểu làm việc của mình. Ngoài ra, người giúp việc trong quá trình làm sẽ được cộng đồng sử dụng lao động đánh giá phân loại theo mức độ hoàn thành công việc.

Để đảm bảo an toàn cho cả hai bên sử dụng và cung ứng dịch vụ, người đăng ký giúp việc gia đình phải đến văn phòng của viecnhanhanh để đăng ký và khai báo thông tin cá nhân, cam kết chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Các bạn cũng sẽ được tập huấn kỹ năng giúp việc nhà cũng như nhận biết nguy hiểm, tự bảo vệ bản thân trước khi chính thức đi giúp việc.

1.jpg
viecnhanhanh được duy trì liên tục 24/7 kể cả khi bảo trì, nâng cấp 


Ứng dụng mang lại lợi ích cho cộng đồng

Hiện nay, Khoa CNTT đã phối hợp với bên vận hành ứng dụng để thử nghiệm hiệu quả của sản phẩm và nghiên cứu đề xuất mô hình hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp. Trong quá trình thử nghiệm, đã có nhiều bạn trẻ là SV của trường đã tận dụng thời gian rảnh để đăng ký làm giúp việc gia đình. Phản hồi từ phía khách hàng về hình thức tìm giúp việc này đều khá tốt.

Theo bạn Đỗ Thanh Tùng, cựu SV của khoa CNTT, trong quá trình viết ứng dụng, được sự hướng dẫn của thầy giáo nên cả nhóm không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công việc cũng đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng bởi ứng dụng phải giải quyết được vấn đề kỹ thuật là nếu trong tương lai, được phát triển rộng thì phải làm sao có thể phục vụ số lượng người dùng trực tuyến (online) đồng thời lớn hơn 10.000 truy cập và dịch vụ phải được duy trì liên tục 24/7 kể cả khi bảo trì và nâng cấp.

Ngoài ra, khi viết ứng dụng cũng phải chú ý đến thói quen, nếp nghĩ, cả ngôn ngữ sử dụng của người dân ở các vùng miền khác nhau như trong Nam, ngoài Bắc. Thêm vào đó, một số bạn trong nhóm vẫn đang là SV nên phải đảm bảo kết quả học tập tốt ở trường. Do đó, việc tham gia nghiên cứu viết ứng dụng thường được tiến hành ngoài giờ, thậm chí là tối khuya.

“Hiện nay, ứng dụng kết nối việc làm qua mạng đã được áp dụng thành công ở một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Singapore, Canada… Vì thế, tới đây, ứng dụng viecnhanhanh “made in Việt Nam” được nhóm kỳ vọng sẽ thay thế phương thức giới thiệu việc làm tại gia đình truyền thống. Ứng dụng sẽ hoạt động như một sàn giao dịch thương mại điện tử, không giới hạn người cung cấp và người mua dịch vụ, không giới hạn về vị trí địa lý, về thời gian tham gia và được bảo trợ bởi pháp luật. Đây cũng là minh chứng những nghiên cứu bắt nguồn từ trường ĐH hoàn toàn có thể triển khai trong thực tiễn, đem lại lợi ích cho cộng đồng”, Đỗ Thanh Tùng chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm