Gửi đất liền sắc bàng vuông

31/01/2022 18:22
Hoa bàng vuông chớm nở. Ảnh: Mai Thanh Hải

Hoa bàng vuông chớm nở. Ảnh: Mai Thanh Hải

Mùa Xuân Trường Sa năm nào cũng đến sớm hơn ở đất liền. Ngày cuối năm, trên khắp các đảo lớn, nhỏ nơi này đều rộn rã tiếng nói cười của cán bộ, chiến sĩ và người dân khi cùng nhau trang trí, bày mâm cỗ đón Tết. Những nồi bánh chưng đỏ lửa ấm tình người hòa cùng nỗi nhớ quê nhà của người lính biển. Mùa Xuân trên những cánh sóng đã đến thật gần…

Cái gật đầu trong phút giao thừa

Với nước da sạm nắng, ánh mắt tinh nhanh của người làm nhiệm vụ ở Máy xuồng CQ, đảo Đá Nam, thượng uý chuyên nghiệp Hoàng Văn Cường (quê ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), công tác ở Trường Sa được 3 năm. Cùng đồng đội chuẩn bị gói bánh chưng, thượng uý Cường cho biết: "Mỗi khi Tết đến, tôi lại nhớ quê nhà, nhớ những giây phút quây quần bên gia đình gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cơm cúng đón giao thừa".

Thượng uý Hoàng Văn Cường nhớ lại: "Nhớ Tết năm 2015, khi đó tôi vẫn công tác ở đất liền, được đơn vị cho về phép đúng dịp Tết. Gần đến giao thừa, tôi cũng hoà vào dòng người đi xem bắn pháo hoa. Lúc pháo hoa kết thúc, tôi định về nhà nhưng len mãi vẫn chưa thoát ra khỏi dòng người đông nghẹt. Tôi trở thành người xông đất đầu năm cho nhà mình ngoài dự tính. Bố mẹ cười tươi vỗ vai tôi cùng mong ước gia đình sẽ gặp mọi điều tốt đẹp trong năm mới. Từ đó đến nay, tôi chưa có thêm cái Tết nào cùng đón giao thừa với bố mẹ. Đó là cái Tết giản dị, ấm áp đầy tình thương của gia đình đã theo tôi đến tận bây giờ".

Gửi đất liền sắc bàng vuông - Ảnh 1.

Gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Duyên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xã Sinh Tồn, trước thềm Xuân mới

Đón Tết ở đảo tiền tiêu, dù không được quây quần bên người thân nhưng thượng úy Cường vẫn cảm nhận được sự ấm áp của tình đồng chí, đồng đội. Giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, Tết ở Trường Sa cũng có đủ hương vị như ở quê nhà. Đêm giao thừa, cán bộ, chiến sĩ tham gia hái hoa dân chủ, gọi điện về chúc Tết gia đình. Chỉ khác đất liền là không được cùng người thân quây quần nấu bánh chưng bên bếp lửa hồng.

Đang cùng cán bộ, chiến sỹ cắt tỉa những cây hoa, cây xanh trên đảo Sinh Tồn, chị Nguyễn Thị Duyên (quê ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xã Sinh Tồn, không giấu nổi sự chộn rộn trước thềm năm mới. Chị Duyên cho biết: "Tôi ra đảo Sinh Tồn công tác từ tháng 6/2018 đến nay. Cứ mỗi dịp Xuân về, ngoài trang trí cảnh quan trên đảo, tôi lại cùng chị em trong Chi hội và các lực lượng trên đảo chuẩn bị đón Tết với bánh chưng, bánh tét; tham gia các hoạt động vui chơi, chương trình văn nghệ cùng cán bộ, chiến sỹ trên đảo… Tuy Tết ở đảo xa còn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng tôi luôn cảm nhận rõ sự ấm ấp của gia đình và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa".

Gửi đất liền sắc bàng vuông - Ảnh 2.

Thượng uý chuyên nghiệp Hoàng Văn Cường, quê ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) làm nhiệm vụ ở Máy xuồng CQ, đảo Đá Nam

Vừa kết thúc ca trực tại đảo Đá Tây, đại uý chuyên nghiệp Phạm Văn Tiến (quê ở xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) ngồi dưới tán cây phong ba trước cửa phòng hóng gió biển. Với gương mặt sạm màu nắng gió biển, anh cười tươi tự hào nói: "Ngay từ lúc còn trẻ, tôi đã yêu màu áo Hải quân và ước mơ trở thành người lính biển. Đến nay, tôi đã có 6 năm được công tác ở Trường Sa, cũng là 6 năm tôi đón Tết nơi này. Mỗi năm, đón Tết trên đảo đều để lại trong tôi những cảm xúc riêng nhưng ấn tượng nhất vẫn là Tết năm 2018. Trước lúc đón giao thừa, toàn thể cán bộ, chiến sĩ ở đảo cùng hát cho nhau nghe những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa. Đến giờ phút giao thừa, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi lặng nghe lời chúc Tết của đồng chí Chủ tịch nước. Hòa với lời chúc đầu Xuân năm mới ấy là tiếng sóng rì rào, vỗ vào bờ kè của đảo như muốn chia sẻ nỗi niềm đón Xuân xa nhà với người lính đảo. Chúng tôi cùng nắm tay nhau và khẽ gật đầu như một lời hứa quyết tâm cao nhất của bộ đội Trường Sa".

Thương yêu hoà trong cánh sóng

Vừa rời trạm gác sau ca trực, binh nhất Đỗ Văn Mến (quê ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), chiến sỹ đảo Trường Sa Đông, vội đưa điện thoại lên chụp bông hoa bàng vuông vừa bung nở. Mến cho biết: "Em chụp để gửi cho bạn gái ở quê nhà. Đây là năm đầu tiên em đón Tết tại Trường Sa. Tết đến gần, em rất nhớ gia đình, người thân và bạn bè, song với trách nhiệm của tuổi trẻ được cống hiến cho đất nước, em luôn sẵn sàng chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu".

Gửi đất liền sắc bàng vuông - Ảnh 3.

Giờ giải lao của các chiến sĩ trên đảo sau ca trực

Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên trán sau khi kiểm tra các trạm gác một vòng quanh đảo, trung tá Nguyễn Duy Bá, Chính trị viên đảo Phan Vinh, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chia sẻ: "Bố tôi mất sớm, chỉ còn mẹ già ở quê sống cùng em trai tôi đang bị bệnh hiểm nghèo. Vợ con tôi hiện sống ở Khánh Hòa. Vợ tôi làm ở Bệnh viện huyện Cam Lâm. Thời gian qua, do dịch bệnh nên cô ấy phải thường xuyên đi trực, có thời điểm cả tháng mới về nhà. Vì vậy, 2 con của chúng tôi đều phải tự ở nhà trông nhau khi mẹ vắng nhà. Con nhà lính phải quen với việc tự lập như thế. Tôi chỉ thương mẹ già vẫn phải cố gắng với cuộc sống ở quê để tôi yên tâm công tác".

Bước sang năm thứ 4 công tác ở Trường Sa cũng là chừng đó năm trung tá Nguyễn Duy Bá đón Tết ở nơi này. Anh nhận thấy mỗi cán bộ, chiến sỹ và người dân đón Tết ở đảo xa đều vui tươi, phấn khởi. Mỗi người ai cũng nén lại nỗi nhớ quê nhà, quyết tâm và tự hào khi có thêm một mùa Xuân được chắc tay súng, góp sức bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa mênh mông trời biển, mỗi người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào. Họ đặt tay lên ngực trái cảm nhận rất rõ từ đất liền là tình yêu Tổ quốc, là sự đồng lòng của người thân nơi quê nhà cùng hướng về Trường Sa, nơi có mùa Xuân mới đong đầy nỗi nhớ thương yêu hoà lẫn trên từng cánh sóng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.