Hà Giang: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

19/06/2021 06:50
Phụ nữ vùng cao Đồng Văn (Hà Giang) tìm hiểu tài liệu truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản

Phụ nữ vùng cao Đồng Văn (Hà Giang) tìm hiểu tài liệu truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thực tế cho thấy, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là tập tục tồn tại lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, không dễ xóa bỏ một sớm, một chiều. Để giảm thiểu tình trạng này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và bằng nhiều giải pháp cụ thể của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Theo báo cáo, từ năm 2015 – 2019, tỉnh Hà Giang ghi nhận 2.348 cặp tảo hôn và 67 cặp kết hôn cận huyết thống. Thực trạng này đã, đang trở thành vấn nạn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đòi hỏi cần những giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ hơn; nhằm giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng mà nó để lại cho toàn xã hội.

Hà Giang là nơi chung sống của hơn 85 vạn người, với 19 dân tộc. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm đa số với tỷ lệ 87,2%. Dân tộc Mông (32,9%), Tày (23,3%), Dao (14,9%)... Và có 5 dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người), gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống luôn là vấn đề nhức nhối trong đồng bào DTTS. Giai đoạn 2015 – 2019, toàn tỉnh có 33.941 cặp kết hôn thì có đến 2.348 cặp tảo hôn, 67 cặp kết hôn cận huyết thống. Thực tế này diễn ra khá phổ biến tại một số huyện, như: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh...

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông, như: Trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào DTTS chưa cao, điều kiện giao lưu với các dân tộc khác hạn chế, sự khác biệt ngôn ngữ, không thông thạo tiếng phổ thông... Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là yếu tố kinh tế. Bởi các tập tục, hủ tục vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của đồng bào, như: Kết hôn sớm để có thêm nhân lực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Hay người trong họ tộc lấy nhau sẽ giảm sính lễ thách cưới, trai nghèo vẫn lấy được vợ. Hơn nữa, sự phổ biến của phương tiện thông tin đại chúng (internet, phim ảnh, băng đĩa...) hoặc xem phim, ảnh đồi trụy dẫn đến quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên và mang thai trước hôn nhân cũng là nguyên nhân dẫn đến tảo hôn...

Hà Giang: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Ảnh 1.

Cán bộ dân số huyện và xã Giàng Chu Phìn tổ chức buổi sinh hoạt truyền thông nói chuyện chuyên đề, cấp phát bao cao su miễn phí cho người dân

Thực tế cho thấy, các vụ việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra trong cộng đồng đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý xã hội của cấp ủy, chính quyền sở tại; làm giảm giá trị thượng tôn pháp luật trong đồng bào DTTS. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống phải huy động nhiều cá nhân, tổ chức để can thiệp; có trường hợp thành công, hoặc bất thành. Thậm chí, có cặp đôi còn đe dọa nếu không được kết hôn sẽ tự tử gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Hơn nữa, việc dựng vợ, gả chồng trong khi các bên nam, nữ chưa đủ tuổi hoặc trong phạm vi ba đời vẫn xảy ra; nhưng chính quyền sở tại hoặc một số địa phương chưa có giải pháp xử lý, ngăn chặn hiệu quả...

Thực hiện Quyết định số 498, ngày 14.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015 – 2025", từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang đã xây dựng và duy trì hoạt động 11 mô hình câu lạc bộ "Phòng chống tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" tại một số xã: Chí Cà (Xín Mần), Nà Khương (Quang Bình), Thanh Vân (Quản Bạ); Sà Phìn, Tả Lủng (Đồng Văn), Lũng Pù (Mèo Vạc)... Cùng với đó là hình thành Câu lạc bộ "Tiền hôn nhân" tại Trường PTDT Nội trú THCS&THPT huyện Yên Minh...

Thông qua các mô hình này, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã có xu hướng giảm; những trường hợp vi phạm đều được cộng đồng, chính quyền xử phạt theo quy ước và quy định của pháp luật. Ví như xã Chí Cà, trước khi thực hiện mô hình có 16 cặp tảo hôn, nhưng đến năm 2018, chỉ có 2 cặp và từ năm 2019 đến nay không còn trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Hà Giang: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Ảnh 2.

Tuyên truyền, vận động người dân nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở Hà Giang

Riêng xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ), năm  2019 có 5 cặp tảo hôn, 2 cặp kết hôn cận huyết thống đều được chính quyền sở tại áp dụng xử phạt hành chính theo Nghị định 110/NĐ-CP. Còn xã Sủng Trà (Mèo Vạc), năm 2019 có 8 vụ tảo hôn; chính quyền địa phương đã vận động thành công 4 học sinh trở lại trường học, 4 vụ xử lý theo quy ước của thôn và xử phạt vi phạm hành chính... Nếu như năm 2015, tỷ lệ tảo hôn toàn tỉnh là 7,23%, hôn nhân cận huyết thống là 0,63%; thì năm 2019, tỷ lệ này lần lượt là 6,16% và 0,04%...

Thực tế cho thấy tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là tập tục tồn tại lâu đời trong đời sống đồng bào DTTS, không dễ xóa bỏ. Để giảm thiểu tình trạng này, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm và bằng nhiều giải pháp cụ thể của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chuyển đổi hành vi hôn nhân của đồng bào DTTS. Thậm chí, xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học với những dân tộc, địa phương có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao để đưa ra các biện pháp mang tính khả thi; nhằm nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.