Hà Giang: Thanh niên huyện Quản Bạ xung kích bài trừ hủ tục lạc hậu

16/08/2022 09:00
Ảnh minh họa: Internet.

Ảnh minh họa: Internet.

Phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, Huyện đoàn Quản Bạ đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tại huyện Quản Bạ, bên cạnh những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống trong đời sống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát triển; thì vẫn tồn tại một số hủ tục lạc hậu, gây ảnh hưởng đến đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội…

Phó Bí thư Huyện đoàn Quản Bạ, Viên Xuân Tùng: "Thời gian qua Huyện đoàn đã phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang và trong đời sống sinh hoạt ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Tổ chức hội thảo đề ra một số giải pháp phát huy vai trò tiên phong, tình nguyện của thanh niên trong bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn các phong tục tập quán tốt đẹp của các DTTS tại địa phương".

Nhận định được nguyên nhân của các hủ tục là do phong tục tập quán tồn tại từ lâu đời; công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu kiểm tra, đôn đốc; việc thực hiện hương ước, quy ước thôn chưa nghiêm, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; trình độ dân trí không đồng đều, việc tiếp cận, cập nhật thông tin còn chậm, chưa kịp thời, chưa thường xuyên. Các cấp Đoàn của huyện Quản Bạ đã tiến hành tuyên truyền trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN), vận động người thân trong gia đình và hàng xóm để tạo sự chuyển biến về nhận thức.

Là một ĐVTN tích cực tham gia bài trừ hủ tục lạc hậu của Đoàn xã Tả Ván, chị Hạng Mí Là, chia sẻ: "Bản thân tôi là người dân tộc Mông nên tôi biết được rằng bên cạnh những bản sắc văn hóa truyền thống giàu đẹp của dân tộc mình thì vẫn còn nhiều những hủ tục lạc hậu cho đến nay vẫn chưa thể xóa bỏ được hoàn toàn như: nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chính vì vậy, tôi đã cùng các đoàn viên trong xã triển khai tuyên truyền đến các hộ gia đình, trước tiên là gia đình mình để làm gương. Cùng phối hợp với Liên đội trường THCS để tuyên truyền đến các em học sinh về phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phối hợp với Ban quản lý thôn tuyên truyền đến mọi người dân, những tác động, hậu quả khi tảo hôn, hôn nhân cận huyết."

Nhờ sự vào cuộc của các cấp Đoàn đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Chị Lệnh Thị Hiền, người góp phần không nhỏ vào công cuộc vận động tổ chức đám tang văn minh, tiết kiệm hơn cho biết: "Đoàn xã Cán Tỷ đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể xã triển khai tuyên truyền nội dung của Đề án bài trừ hủ tục lạc hậu đến cán bộ, ĐVTN và các tầng lớp nhân dân biết và thực hiện nhất là nội dung đưa người mất vào áo quan khi làm ma tại gia đình. Kết quả trong giai đoạn 2019-2021, xã có 25/37 gia đình thực hiện đưa người chết vào áo quan trong thời gian làm ma tại gia đình. Bên cạnh đó, đã tiếp tục vận động được hơn 15 gia đình có người mất tổ chức đám tang ngắn ngày và không mổ bò từ 2 con trở lên để giảm bớt chi phí khi gia đình khó khăn. Với những kết quả nêu trên bản thân tôi nhận thấy trong những năm gần đây đã có một số dòng họ và đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức được lợi ích của việc thay đổi khi đưa người mất vào áo quan, tang ma tổ chức ngắn ngày vừa phù hợp với bản sắc dân tộc vừa không ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư".

Thông qua việc phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và xã hội đồng lòng triển khai Đề án số 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy, cùng chung tay đẩy lùi, bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.