Hà Nội: Hiệu quả từ hơn 90 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân

28/07/2019 - 11:34
Chị Nguyễn Thị Hồng (công nhân Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: “Ở khu trọ này có rất đông trẻ con, trung bình mỗi gia đình có một hoặc hai con, chúng thường chơi cùng và trông nom lẫn nhau, các thành viên trong khu trọ luôn gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giúp chúng tôi thoải mái và yên tâm làm việc”.

Những khởi đầu ý nghĩa

Bắt đầu từ năm 2011, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội thí điểm xây dựng mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn. Đến nay sau gần 10 năm triển khai thực hiện, hiện tại Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn đang quản lý 25 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân với số lượng 365 thành viên.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn cho hay: “Mô hình này đã đem lại lợi ích thiết thực cho công nhân lao động. Nhờ có tổ tự quản mà đoàn viên, công đoàn đã nắm bắt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị của địa phương, góp phần phát triển kinh tế. Thông qua chủ nhà trọ, là những tổ trưởng tổ tự quản giúp các cấp công đoàn nắm bắt, giải quyết kịp thời các tâm tư, nguyện vọng của người lao động giúp họ vơi bớt khó khăn trong công việc và cuộc sống.

 

4541_anh_8.jpg
Công nhân tại các khu nhà trọ gắn kết với nhau hơn nhờ mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân.

 

Mô hình tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân cũng giúp những công nhân thuê trọ thêm phần gắn kết, hòa đồng, quan tâm nhau nhiều hơn. Có mặt tại một khu nhà trọ có tổ công nhân tự quản trên địa bàn xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, chúng tôi nhận thấy khu trọ được xây thành các dãy gồm nhiều phòng, bố trí rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát. Những công nhân thuê trọ cho biết, người thuê hầu hết là các gia đình công nhân lao động, tuy khác quê nhưng mọi người ở đây sống hòa thuận, nghĩa tình và đoàn kết như một đại gia đình.

Nói về những cái được từ khi tham gia tổ tự quản, chị Nguyễn Thị Hồng (công nhân Khu công nghiệp Quang Minh) cho biết: “Chủ nhà và chính quyền địa phương luôn gặp gỡ, trao đổi với công nhân thuê trọ về tình hình an ninh trật tự. Công an xã thường xuyên tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội, lồng ghép tổ chức sinh hoạt chuyên đề.

Ở khu trọ này có rất đông trẻ con, trung bình mỗi gia đình có một hoặc hai con, chúng thường chơi cùng và trông nom lẫn nhau, các thành viên trong khu trọ luôn gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giúp chúng tôi thoải mái và yên tâm làm việc”.

Hơn 90 tổ tự quản đã và đang phát huy hiệu quả

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 231.000 doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động. Những năm qua, các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn Thủ đô đã thu hút hàng chục nghìn công nhân lao động từ nhiều địa phương đến sinh sống và làm việc tạo ra nhiều khu nhà trọ công nhân. Điều này kéo theo nhiều vấn đề về an ninh trật tự cần giải quyết. Việc triển khai mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân đã thực sự phát huy hiệu quả và góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giúp công nhân lao động yên tâm làm việc.

Đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng được 92 tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân với trên 20.000 công nhân lao động tham gia. 100% các tổ đã xây dựng “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, nhiều tổ đã xây dựng được lịch sinh hoạt tổ hàng tháng, quý. Thông qua mô hình này, lực lượng Công an phường, xã, cảnh sát khu vực đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho công nhân lao động nắm được các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

 

image001.png
Ảnh minh họa

 

Các hình thức tuyên truyền phù hợp với thực tế, gắn với các hoạt động của tổ chức công đoàn. Như tuyên truyền, vận động công nhân lao động tại nhà trọ không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy; nêu cao cảnh giác, phát hiện và tích cực đấu tranh tố giác tội phạm; chống lại các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, mại dâm và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho công nhân…

Số lượt công nhân được phổ biến pháp luật tăng hàng năm. Đã tuyên truyền hơn 500 buổi nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức xã hội, kiến thức phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tội phạm và các dịch bệnh nguy hiểm tới gần 50.000 công nhân viên chức lao động. Tổ chức phát hành 20.000 tờ gấp các loại tuyên truyền Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tới trên 30.000 lượt công nhân.

Tổ chức 25 chương trình biểu diễn văn nghệ “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động tại các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân. Tại các Điểm sinh hoạt văn hoá công nhân đã xây dựng tủ sách pháp luật, phát hành đầy đủ và kịp thời báo Lao động Thủ đô cho các tổ tự quản sinh hoạt… Nhờ đó góp phần giúp tình hình an ninh trật tự tại các khu nhà trọ công nhân tương đối ổn định, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người lao động.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Ngô Văn Tuyến cho biết: Xây dựng tổ tự quản trong công nhân là một hình thức tập hợp công nhân lao động trong tình hình mới, góp phần tích cực trong việc tạo dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền, công đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở.

Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của công nhân, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của công nhân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm