Hà Nội kiên quyết loại bỏ những lễ hội phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục

10/02/2019 - 17:40
Là địa phương đứng đầu về số lượng lễ hội trong cả nước, với 1.700 lễ hội chủ yếu tập trung vào dịp đầu năm, thu hút hàng triệu lượt du khách. Thời điểm này, Hà Nội bắt đầu bước vào mùa lễ hội. Nhiều vấn đề về quản lý, đổi mới công tác tổ chức lễ hội lại được đặt ra.
Thời điểm này, Hà Nội bắt đầu bước vào mùa lễ hội. Nhiều vấn đề về quản lý, đổi mới công tác tổ chức lễ hội lại được đặt ra, đặc biệt khi thực tế đây đó vẫn còn một số lễ hội mới chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung, giá trị văn hóa truyền thống. 
 
Từng gây bức xúc trong dư luận khi để xảy ra tình trạng tranh cướp lộc hoa tre đầy bạo lực, năm nay Ban tổ chức lễ hội Đền Sóc tiếp tục đổi mới nghi thức phát lộc, điều chỉnh lễ rước giỏ hoa tre và trầu cau theo hướng văn minh, an toàn, trang trọng. Đồng thời, đảm bảo phương án tổ chức trông giữ phương tiện đúng nơi, đúng giá vé quy định. 
 
Lễ dâng hoa tre tại Đền Sóc

 

Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết: “Trong lễ hội năm nay 2019, chúng tôi tiếp tục thực hiện đổi mới đã làm trong năm 2018. Đó là trong các nghi thức tổ chức các lễ rước có sự điều chỉnh. Lễ rước giỏ hoa tre và trầu cau, thay bằng việc sau khi lễ ở Đền Thượng, đưa về Đền Hạ, Đền Mẫu, chúng tôi sẽ đưa trực tiếp lễ vật vào trong hậu cung Đền Thượng và không tổ chức việc tán lộc và không còn tục cướp lộc ở những vị trí Đền Mẫu, Đền Hạ nữa, để tránh những hành động bạo lực phản cảm. Và lễ vật này sẽ được ban tổ chức chia nhỏ, và tổ chức phát lộc trong thời điểm thích hợp".
 
Vừa được đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) đã sẵn sàng bước vào mùa lễ hội mới. Cũng từng có những tồn tại về việc chen lấn, xô đẩy, mất vệ sinh, phản cảm, mùa lễ hội này, ngay từ trước Tết Nguyên Đán, Ban Tổ chức lễ hội đã sớm phổ biến quy tắc ứng xử văn minh tới nhân dân sinh sống và tham gia kinh doanh dịch vụ tại khu vực lễ hội. Đồng thời quy hoạch khu kinh doanh dịch vụ để dễ quản lý và không gây ách tắc giao thông. 
 
Ngành chức năng đã lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lên kế hoạch thu gom và xử lý rác thải… Đặc biệt tập trung kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các điểm cờ bạc trá hình, bán hàng giá cao. Để kịp thời phát hiện xử lý những tồn tại, khu vực thắng cảnh đã được dựng nhiều biển báo đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách.
 
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức cho biết: “Chúng tôi bao giờ cũng có đường dây nóng, các ban quản lý đều có đường dây nóng đó, năm nay là năm mà lần đầu tiên thực hiện theo xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt nên chúng tôi có kẻ lại các biển báo trong đó ghi rõ các địa chỉ đường dây nóng.
 
Phát hiện bất cứ một vấn đề gì về giá, về dịch vụ, về thái độ ứng xử, về việc không xử lý nghiêm của các lực lượng tham gia ở đó, đề nghị du khách điện đến các số điện thoại đó. Và số điện thoại của đồng chí Chủ tịch là Phó trưởng ban chỉ đạo thường trực của lễ hội lúc nào cũng được công khai ở đấy”.
 
Là địa phương đứng đầu về số lượng lễ hội trong cả nước, với 1.700 lễ hội chủ yếu tập trung vào dịp đầu năm, mỗi mùa lễ hội, Hà Nội thu hút hàng triệu lượt du khách. Tính riêng di tích Chùa Hương, mùa lễ hội năm 2018, đã thu được trên 110 tỷ đồng từ tiền vé thắng cảnh. Đó là chưa kể đến nguồn thu từ các dịch vụ ăn theo. Có thể nói lễ hội đã thực sự trở thành một ngành kinh tế, có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội ở Hà Nội. 
 
Quá đông du khách đổ về khai hội Chùa Hương. Ảnh: Kênh 14 

 

Dù vậy, những năm qua “ngành kinh tế” này vẫn chưa được quan tâm, phát triển đúng mức, khi vẫn còn không ít những điều tiếng về tình trạng kém văn minh tại các điểm tổ chức lễ hội. Phổ biến là tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc; kém vệ sinh môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm; treo móc thịt thú rừng gây phản cảm; chặt chém, tăng giá dịch vụ tại lễ hội, đánh bạc trá hình dưới hình thức vui chơi có thưởng, tranh giành khách… Những tồn tại này có nguyên nhân từ việc lễ hội ở Hà Nội mới chỉ chú trọng phát triển về hình thức, quy mô mà chưa quan tâm tới việc phát triển về nội dung, gìn giữ những giá trị truyền thống. Đây chính là lực cản du khách đến với lễ hội ở Thủ đô. 
 
Trước thực trạng này, năm nay, thành phố Hà Nội đã chấn chỉnh lại hoạt động của các điểm lễ hội, hướng đến bảo đảm nội dung, chất lượng của lễ hội. Theo đó, địa phương và ngành chức năng tăng cường các biện pháp gìn giữ không gian văn hóa tâm linh, tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách từ giao thông cho tới vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt nêu cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội. 
 
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, cho biết: “Năm nay ngành văn hóa thể thao Hà Nội cũng chỉ đạo rà soát lại tất cả các nội dung của các lễ hội. Nếu nội dung nào cảm thấy phản cảm không phù hợp với thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự thì kiên quyết loại bỏ để làm sao cho các lễ hội trả lại cho người dân theo đúng tính chất của lễ hội, phục vụ cho người dân một cách vui vẻ nhất, an toàn nhất”.
 
Để có mùa lễ hội văn minh, an toàn, rất cần chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm phát hiện, điều chỉnh những bất cập nảy sinh, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp, hướng tới những điều thiện, lành trong cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm