Hành trình hơn 10 năm “gieo chữ" của cô giáo vùng cao

24/05/2021 21:28
Cô Nông Thị Tuyết chăm sóc học trò

Cô Nông Thị Tuyết chăm sóc học trò

Hơn 10 năm giảng dạy tại trường tiểu học xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cô giáo người Tày Nông Thị Tuyết đã coi nơi này như ngôi nhà thứ hai của mình.

Vào làng học tiếng của đồng bào

Theo bố mẹ lên Tây Nguyên lập nghiệp ở Kon Tum, năm 2005, sau khi tốt nghiệp, cô giáo Nông Thị Tuyết được phân công làm chủ nhiệm lớp 1 tại một điểm trường thuộc trường Tiểu học xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông. Đắk Na là xã đặc biệt khó khăn, địa hình chủ yếu là đồi núi cao bị chia cắt bởi những dòng suối lớn. Cư dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Xơ Đăng, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, người dân không mấy coi trọng việc học của con em.

Những ngày đầu vào nhận công tác với bao khó khăn, vất vả, từ nhà đến trường đi bằng xe máy mà cô Tuyết đi từ sáng sớm đến chiều tối mới tới nơi. Do bất đồng ngôn ngữ nên cô và trò chưa hiểu nhau. Học trò nhỏ bắt đầu bước vào lớp 1, tiếng Xơ Đăng còn nói chưa sõi, tiếng phổ thông cũng không biết. Để khắc phục, cô giáo Tuyết đã vào bản để học tiếng của đồng bào. "Bà con Xê Đăng thấy tôi chiều nào cũng tới, chẳng có việc gì cũng tới, buổi tối rảnh là tới, nên thấy thương, cảm mến và dần coi như người nhà", cô Tuyết chia sẻ.

Ngoài dạy chữ, cô Tuyết còn dạy và hướng dẫn các bé cách vệ sinh cá nhân như lau mặt, rửa tay chân và chải tóc. Do đời sống khó khăn, phụ huynh ít có điều kiện chăm sóc các con nên cô Tuyết cũng như nhiều thầy, cô giáo ở đây kiêm luôn việc chăm sóc và chỉ bảo học trò. Mỗi khi có lễ hội, theo tục lệ, lũ trẻ trong bản lại nghỉ học cả tuần. Cô Tuyết và các đồng nghiệp phải đến từng nhà thuyết phục phụ huynh cho con đến trường, chuyên cần đến lớp. Mùa khô, con đường đến các thôn, bản đã gập ghềnh, khó đi, đến mùa mưa càng khó đi lại hơn khi đường dốc, trơn phải đi bộ 4-5 cây số.

Hành trình hơn 10 năm “gieo” chữ của cô giáo vùng cao - Ảnh 1.

Học trò vùng cao. Ảnh minh họa

Chia ngọt sẻ bùi với học trò và phụ huynh

Cô Tuyết chia sẻ: "Hồi đó, lớp học bằng tre nứa đơn sơ, mùa mưa lạnh đến run người, cô trò không thể dạy và học được. Nhu yếu phẩm thì thiếu thốn vì muốn mua phải ra trung tâm huyện trong khi điểm thôn còn cách nơi bắt xe đò ra huyện đến 10 cây số. Đường đến điểm bắt xe ghồ ghề, khó đi, nhiều khi phải cuốc bộ, nhất là vào mùa mưa. Vì thế, phải vài tuần, các thầy cô mới thu xếp ra trung tâm huyện để mua nhu yếu phẩm một lần. Gần như cuộc sống của mỗi thầy cô lúc đó đều dựa vào 2-3 lon gạo, bí và các loại rau cỏ mà bà con và học sinh gom góp. Thỉnh thoảng bữa cơm được cải thiện với ít cá khô chúng tôi mua từ trung tâm huyện, hay vài con cá chuối bà con đánh bắt. Cuộc sống lúc đó có thiếu thốn, khó khăn nhưng đầy ắp tình người".

Nằm trong vùng rốn lũ, năm nào mùa mưa đến, Đắk Na cũng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Trong cơn lũ lịch sử tháng 10/2009, trường Tiểu học bán trú xã Đắk Na đã bị một ngọn núi đổ sập và cuốn phăng. Khó khăn không khiến những thầy cô "cắm" bản như cô Tuyết chùn bước mà càng thấy thương và gắn bó hơn với lũ trẻ và người dân nơi đây. Thấm thoát đã hơn 10 năm gắn bó, cùng chia ngọt sẻ bùi với học trò và phụ huynh của các em, từ chỗ không biết tiếng Xơ Đăng, giờ đây, cô Tuyết đã được nhà trường phân công dạy song ngữ, cả tiếng Xê Đăng và tiếng phổ thông, để giúp học trò vùng cao tiếp cận tốt hơn với chương trình học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.