pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hành trình thay đổi của người cha từng nóng tính, hay quát nạt con
Chăm sóc và dạy dỗ con là một hành trình dài, cần sự quan tâm và đồng hành của bố mẹ. Trẻ nhận được tình yêu thương và phương pháp giáo dục đúng đắn sẽ có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Dưới đây là những chia sẻ của anh Nguyễn Đình Ngọc (sinh sống và làm việc tại Bình Dương) về quá trình dạy học cho con gái.
Bé nhà anh Ngọc 6 tuổi, suốt thời gian dịch bệnh con không được học tiền tiểu học nên khi bước vào lớp 1, hai bố con đều cố gắng để theo kịp chương trình. Bé nhà anh Ngọc ban đầu học yếu và kém, hay bị cô giáo nhắc nhở. Không chỉ việc học, mọi thói quen như ăn uống, ngủ nghỉ... đều không bắt kịp với các bạn. Ngoài ra, anh Ngọc chia sẻ, con gái khá nghịch ngợm, có tật nói dối. Tuy nhiên sau một thời gian đồng hành cùng con, cô bé đã thay đổi hoàn toàn.
''Phải nói là lúc đó mình và con bị áp lực vô cùng, con thì bị phạt và bị mình ép học để cho kịp chương trình. Ngoài học ở trường, mình cho bé học thêm tại nhà cô giáo bởi lúc đó mình không thể dạy kèm con được. Tuy nhiên, nhược điểm của mình là rất nóng tính. Ngày trước mỗi lần dạy con mà con lề mề, ngó nghiêng chứ không tập trung, mãi không học, không viết, không làm được bài là mình lại phải nhắc nhở, quát nạt, thậm chí nổi điên lên.
Sang học kỳ 2 thì mình cũng học dần học được cách kìm chế hơn vì hiểu rằng không thể tạo áp lực và ép con học được. Và càng nói, càng mắng mỏ sẽ khiến con bị ảnh hưởng tâm lý. Như người lớn chúng ta cũng vậy.
Khi bé học làm bài tập ở trường chưa xong, cô giáo chủ nhiệm có ở lại dạy thêm miễn phí cho mấy bé yếu kém nhất lớp, mình xin cho bé về để ở nhà trực tiếp dạy con. Bản thân mình đã kìm chế, điều tiết được hơn. Mình nói nhẹ nhàng và khen ngợi thì bé còn học chứ cứ quát là bé sợ và không học được.
Nhưng nhiều lúc cũng phải làm nghiêm để con nghe lời. Cuối cùng hai bố con cũng xong kỳ 2. Và bé cũng thi được lên được lớp 2. Đồng thời, mình cũng phân tích cho con hiểu không nên nói dối vì bố không quát, không phạt con đâu. Cuối cùng, con tin và không còn nói dối vì những chuyện như học hành ở trường kém hay nghịch ngợm nữa'', anh Ngọc tâm sự.
Một số phương pháp mà anh Ngọc đưa ra giúp bố mẹ đồng hành cùng con dễ dàng hơn:
- Nên nhờ cô giáo dạy học cho con: Cô giáo dạy bao giờ cũng sẽ có kỹ năng và chuyên môn hơn, và thường khi học cùng với các thầy cô thì các bé cũng sẽ có nền nếp và ý thức, nghiêm túc hơn trong việc học tập, bởi ở nhà cha mẹ còn bận công việc khác. Tuỳ theo khả năng điều kiện của mỗi gia đình mà có thể cho con học thêm cùng với cô hay không. Còn cha mẹ thì dành thời gian đồng hành, giúp con phát triển về mặt thể chất lẫn tinh thần, đạo đức, trí tuệ, nghị lực.
- Dạy con biết về hệ quả: Thay vì quát nạt, mắng mỏ, phạt con vì tội không tập trung vào học, mải chơi thì cha mẹ nên đưa ra dẫn chứng để cho bé biết hậu quả của việc không học tập. Ví dụ như không học thì con sẽ không có kiến thức hiểu biết, phải làm những công việc vất vả, khổ sở. Cho bé được làm và trải nghiệm thì bé sẽ thấu hiểu hơn. Hay như việc không tập trung vào học thì con sẽ phải ở lại lớp, học cùng với các em ở lớp dưới. Ví dụ: Lớp con mình có một bạn phải ở lại lớp và bị bạn bè trêu chọc, từ đó nếu con không muốn thế thì nên cố gắng học tập.
- Không ra lệnh, ép con làm bất kì việc gì: Bố mẹ nên tạo ra sự gần gũi, vui đùa, chơi cùng con giúp con cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Bên cạnh đó, cũng cần động viên khi con làm chưa tốt. Khi cần nhờ con cái giúp việc nhà, mình có thể nói: con quét, lau nhà giúp cho bố nhé! Hay dọ bát đũa vào chậu cho bố được không? Mình nói với sự tôn trọng và vui vẻ thì đa số các bé sẽ nghe theo khi làm việc giúp bố mẹ.
''Bé nhà mình trước đây hay nói dối vì sợ bị phạt. Con cũng hay bị mắng và đánh đòn vì tội nghịch, học kém, chưa nghe lời cô giáo và bố mẹ. Cho nên, mình hiểu và rút ra kinh nghiệm là càng áp đặt, quát mắng thì con sẽ sợ và tìm cách chống chế để tránh bị đòn roi. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không ai là giống ai cả, đặc biệt là tính cách của các bé. Tuy nhiên mình vẫn hy vọng các phụ huynh sẽ tham khảo để rút ra kinh nghiệm cho bản thân trong việc dạy con'', anh Ngọc tâm sự.