Hành vi trốn cách ly của nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 có vi phạm pháp luật?

Hưng Long
07/03/2020 - 14:47
Hành vi trốn cách ly của nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 có vi phạm pháp luật?
Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn luật sư TPHCM) đánh giá, với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác thì người vi phạm có thể bị xử lý về hình sự.

Ngày 6/3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 đối với nữ bệnh nhân N.H.N (SN 1993, quản lý khách sạn, trú tại số 125 Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội).

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, bệnh nhân xuất cảnh ngày 15/2 bay sang London (Anh); ngày 18/2 bay sang Milan (vùng Lombardy, Italia) du lịch. Tại thời điểm này, tại vùng Lombardy phía Bắc Italia chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát. Ngày 20/2, bệnh nhân quay trở về Anh. Ngày 25/2, bệnh nhân sang Paris, Pháp, du lịch 1 ngày.

Hành vi trốn cách ly của bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 là vi phạm pháp luật - Ảnh 1.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn luật sư TP.HCM

Ngày 29/2, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện ho nhưng không đi khám. Đến ngày 1/3, bệnh nhân bị thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Sau đó, bệnh nhân lên máy bay trở về Việt Nam trên chuyến bay có số hiệu VN0054 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng ngày 2/3.

Do bệnh nhân lúc này không sốt, không khai báo tình trạng sức khỏe của mình nên đã được nhập cảnh. Bệnh nhân được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà riêng tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngày 2/3, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ. Ngày 5/3, bệnh nhân xuất hiện sốt liên tục (38 độ C) kèm theo ho nhiều, có đờm, mệt mỏi. Bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh (quận Ba Đình) được chẩn đoán viêm phổi (phim chụp X-quang có hình ảnh đám mờ ở đáy phổi phải).

Đến 7/3, lực lượng chức năng đã phải cách ly người dân ở phường Trúc Bạch để thực hiện công tác khử trùng, phòng dịch Covid-19

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn luật sư TP.HCM - phân tích, hành động của cô N. là vô cùng nguy hiểm và nghiêm trọng cho xã hội. Cô N. đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng, khai báo y tế không trung thực, trốn cách ly, gây gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong xã hội.

Cô N. bị nhiễm bệnh và là mầm mống gây bệnh truyền nhiễm lây lan ra cho cộng đồng. Việc một cộng đồng bị nhiễm bệnh cúm Covid-19 thì gây ra nhiều hậu quả thiệt hại khác về con người, tiền bạc, kinh tế, xã hội bị đảo lộn… Hành vi của cô N. còn làm ảnh hưởng tới quan hệ quốc tế về nhiều mặt…

Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, hành vi của cô N. là cố ý vi phạm pháp luật nên cần phải xem xét xử lý đúng quy định. Cụ thể, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, cô N. có dấu hiệu "cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm", "che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật", "cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm", "không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền".

Luật sư Lễ nhận định, có thể cô N. không nghĩ đến hậu quả của việc mình làm khi trốn cách ly 14 ngày, đã vượt qua được sự kiểm soát của sân bay…, nhưng nếu hậu quả nghiêm trọng mà xảy ra là cấu thành tội phạm, đủ điều kiện bị xử lý thì vẫn vị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Chỉ vì hành động khai báo không trung thực nhưng hậu quả là khốc liệt, nên mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật để đảm bảo phòng, chống bệnh truyền nhiễm để tuyệt đối an toàn tính mạng bản thân và an ninh toàn xã hội.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ nói, với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác thì người vi phạm còn có thể bị xử lý về hình sự.

Người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Điều 10 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm

- Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm...

- Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm