Hậu Giang: Các tôn giáo đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương

Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Hậu Giang (trái) hỗ trợ nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trường Sơn

Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Hậu Giang (trái) hỗ trợ nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trường Sơn

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 14 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận pháp nhân đang hoạt động. Thời gian qua, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết và chung tay xây dựng Hậu Giang thêm phát triển.

Cùng các tổ chức tôn giáo, Hậu Giang có 159 cơ sở thờ tự, 127 cơ sở tín ngưỡng dân gian, với 512 chức sắc, chức việc và 206.298 tín đồ tôn giáo, chiếm 26,7% dân số của tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Khởi, Trưởng Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Hậu Giang cho rằng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Phật giáo Hòa Hảo hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích giáo lý và theo quy định của pháp luật. Hoạt động của Phật giáo Hòa Hảo Hậu Giang dần ổn định, tạo được niềm tin trong tín đồ, phát huy mặt tích cực trong công tác xã hội.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, cho biết, nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo đang là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng như Mặt trận các cấp. Đây là cơ sở để các tôn giáo đồng hành với cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân xây dựng quê hương thêm phát triển.

Cũng như Phật giáo Hòa Hảo, các tôn giáo khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tích cực chung tay xây dựng quê hương. Phường IV, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có 1 nhà thờ Tin lành và 2 nhà thờ Công giáo. "Chúng tôi luôn đồng hành, góp sức với cấp ủy, chính quyền trong việc vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương", mục sư nhiệm chức Nhà thờ Tin lành ở khu vực 5, phường IV Võ Văn Thương chia sẻ.

Dù việc tạm dừng các hoạt động tôn giáo đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của tín đồ nhưng các tổ chức tôn giáo và chức sắc, chức việc, tín đồ trên địa bàn tỉnh đều đồng thuận. Theo Hòa thượng Thích Giác Giàu, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh vận động tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự nhưng phải quan tâm tăng cường tuyên truyền đến tăng ni, phật tử và nhân dân nhận thức rõ về sự nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm của dịch.

Kết quả của sự gắn kết chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, các tôn giáo là sự đồng thuận trong thực hiện tốt 2 nhiệm vụ đạo và đời. Điều này đã giúp tình hình xã hội ở Hậu Giang ổn định, kinh tế phát triển, đời sống của người dân theo đạo nói riêng và toàn thể nhân dân trong tỉnh dần cải thiện và nâng cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn