Ban quản lý HTX nông sản hữu cơ Phù Vân |
Về xã Phù Vân (TP Phủ Lý) hôm nay không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng hoa mang đầy hương sắc mà mọi người còn được thấy những ruộng rau xanh tốt mơm mởn. Đó chính là diện tích trồng rau hữu cơ - một mô hình sản xuất mới của bà con nông dân trong xã ...
Trước đây, bà con nông dân trồng rau màu chủ yếu làm theo kinh nghiệm của mình, sử dụng phân bón, thuốc hóa học chưa hợp lý. Với cách làm đó dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng và làm đất đai bị thoái hóa, năng xuất cây trồng giảm, nông sản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước thực trạng đó cộng với sự giúp đỡ của các tổ chức ban ngành, Hội LHPN xã Phù Vân đã tiên phong trong việc vận động các gia đình hội viên tham gia mô hình HTX nông sản hữu cơ Phù Vân.
Mô hình HTX này được triển khai thực hiện từ năm 2012 với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Phần Lan phối hợp với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Mô hình có tổng diện tích 1,5 mẫu và được sản xuất áp dụng theo quy trình sản xuất rau an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc, các xã viên tham gia HTX phải đảm bảo quy trình làm đất sản xuất nông sản hữu cơ; trong quá trình trồng và chăm sóc không được sử dụng phân bón vô cơ cho cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc biến đổi gien… Chỉ sử dụng thảo mộc tự chế để phun trừ sâu bệnh; cây và hạt giống do trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội cung cấp…
Đây chính là những kỹ thuật để tạo nên nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tâm sự với chúng tôi, những thành viên tham gia mô hình trồng rau an toàn cho biết: Để đảm bảo đúng quy trình của trồng và chăm sóc rau hữu cơ, hầu như ngày nào bà con nông dân cũng có mặt tại ruộng để bắt sâu, làm cỏ… Vất vả là thế song các thành viên đều tích cực lao động sản xuất nhằm tạo nhiều nông sản chất lượng, phục vụ nhu cầu của người dân.
Đóng gói sản phẩm ngay trên đồng ruộng |
Nhất là ở giai đoạn mới thành lập, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất còn thiếu, thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn, thu nhập thấp nên một số xã viên không nhiệt tình tham gia và ra khỏi HTX. Vì vậy, hiện HTX còn 8 thành viên tham gia sản xuất.
Để khắc phục những khó khăn và hỗ trợ bà con nông dân, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất theo phương pháp hữu cơ; tập huấn công tác giám sát cho Ban chủ nhiệm HTX; đồng thời khai thác các nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ phụ nữ vốn sản xuất; tích cực tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm…
Nhờ đó, hiện nay HTX nông sản hữu cơ Phù Vân đã đi vào hoạt động có nề nếp và đem lại thu nhập ổn định cho xã viên tham gia HTX. Thu nhập bình quân trên diện tích canh tác đạt 15 - 17 triệu đồng/ sào/ năm (tăng gấp 3 lần so với sản xuất theo phương pháp thông thường). Ngoài việc cung cấp cho người dân, sản phẩm của HTX còn cung cấp chủ yếu cho một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh như: cửa hàng giới thiệu nông sản hữu cơ của Hội LHPN tỉnh, cửa hàng An Nguyên, Sơn Phương, Sơn Thủy và Khách sạn Inco Hà Nội... Đặc biệt, hiệu quả mang lại lớn nhất của hoạt động HTX là đã làm thay đổi phương thức sản xuất trước đây của một bộ phận người dân trong xã cũng như các địa phương lân cận. Tạo việc làm cho lao động địa phương….
Sản xuất rau hữu cơ |
Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả cao, đồng thời thu hút được nhiều nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể này đòi hỏi chính quyền địa phương và ngành chức năng cần nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phù hợp hơn nữa để chất lượng sản phẩm được đảm bảo, thị trường tiêu thụ rộng rãi…giúp cho người dân yên tâm trong lao động sản xuất. Riêng đối với những người trồng rau cũng phải năng động, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng, uy tín để ngày càng nhiều người tiêu dùng biết và sử dụng sản phẩm rau an toàn.