Học chơi game, kết nối facebook với con

25/03/2016 - 00:07
Để có thể gần gũi con hơn với cậu con trai lớp 5, chị Trần Huyền Thương (phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) không chỉ cùng con chơi game mà còn lập tài khoản kết bạn facebook, zalo với con.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Như bao bà mẹ khác, chị Thương cũng băn khoăn không biết có nên cho con trai tuổi teen dùng điện thoại, máy tính hay không.

Chị Thương chia sẻ: “Trong thời đại này không thể cấm con hoàn toàn không được dùng điện thoại, máy tính, không chat chit với bạn bè. Vì muốn hay không, đó cũng là nhu cầu của các con, khi gần như tất cả bạn bè của con dùng, con không thể không dùng. Nếu không dùng vô tình con lại bị cô lập các mối quan hệ bạn bè khi không có gì để nói chuyện, trao đổi”.

Chị Thương nghĩ, nếu mình cấm, thì con cũng lén lút sử dụng bằng nhiều cách như mượn bạn bè, ra quán nét. Điều khiến chị băn khoăn là làm thế nào để con có thể dùng những thiết bị giải trí đó nhưng vẫn được an toàn.

Đấu tranh tư tưởng mãi cuối cùng chị chọn cách để con dùng, nhưng vẫn âm thầm "theo dõi" con. Con thường lên mạng truy cập web bằng máy tính của bố mẹ nên chị cùng chồng có thể kiểm soát được con dùng vào việc gì thông qua tra cứu lịch sử các trang đã truy cập.

Thậm chí, chị còn học chơi vài game lành mạnh và chơi chung, hoặc “thi đấu” với con. Chị cũng nhận ra mối quan hệ giữa mẹ và con gẫn gũi và thắm thiết hơn khi cùng chơi với con. Ngoài ra, chị cũng lập tài khoản Facebook, zalo để có thể nắm bắt tâm trạng, nỗi niềm của con mỗi ngày qua việc đọc những status hay bình luận, cách con nói chuyện với bạn bè.
 
“Mình vẫn cho con chơi các thiết bị điện tử nhưng giới hạn 1 tuần khoảng 2 lần, mỗi lần từ 20 đến 30 phút và có giao hẹn trước. Hết giờ là thu lại máy. Thỉnh thoảng con cũng mè nheo, nhưng bố mẹ nghiêm khắc nên con cũng tuân thủ”, chị Thương kể.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Chị không quá căng thẳng mỗi khi con "phạm quy" bởi chị nghĩ, thà kiểm soát con vừa đủ để được nghe con chia sẻ, còn hơn là con giấu nhẹm đi.

Chị Thương muốn đối xử với con bằng sự tin tưởng chứ không muốn bố mẹ phải theo sát con từng bước. “Không thể vì lo sợ mà không cho con ra ngoài. Tuy nhiên niềm tin cũng phải xây dựng có cơ sở. Mỗi ngày mình đều xem con có vui vẻ chia sẻ mọi chuyện, có thoải mái với bố mẹ không và trong các trường hợp khác, con có nói dối không”, chị Thương chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm