Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk: '4 cùng' với đồng bào dân tộc thiểu số

03/07/2018 - 06:30
Trong rất nhiều hoạt động của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, có một hoạt động khiến chúng tôi đặc biệt quan tâm, đó là công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số với phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của bà con) nhằm xóa bỏ các tập tục, hủ tục từng gây nhiều bi kịch với phụ nữ.

Thêm “không tập tục, hủ tục lạc hậu” vào “5 không, 3 sạch” 

Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy H’Quý Rơ Chăm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, cho biết, ngay sau Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017-2022, Hội LHPN tỉnh đã xác định việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các cấp Hội trong toàn tỉnh. Với đặc thù của tỉnh, Hội đã triển khai thêm 1 nội dung nữa là: Không tập tục, hủ tục lạc hậu.

hoi.JPG
Cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm 

 

Trên tinh thần đó, Ban chấp hành Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời tham mưu với Thủ trưởng đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền nhằm xóa bỏ các tập tục, hủ tục còn tồn tại ở một bộ phận đồng bào dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là tập nối dây của một số đồng bào dân tộc như Ê đê và M’nông.

 

Hội đã phối hợp với Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ còn xây dựng các tiểu phẩm sinh động, ý nghĩa, gần gũi với đời sống, sinh hoạt của bà con, phản ánh chân thực thực trạng đang tồn tại của một số vùng. Các tiểu phẩm được xây dựng bằng 2 thứ tiếng: Tiếng Kinh và tiếng Ê đê để đồng bào dễ hiểu, thẩm thấu và dần loại bỏ hủ tục lạc hậu này.

dsc_0012-12.jpg
Hoạt động quyên góp chung tay vì phụ nữ nghèo

 

Theo thượng úy H’Quý Rơ Chăm, hủ tục nối dây có từ rất lâu, chủ yếu trong đồng bào dân tộc Ê đê và M’nông. Đó là khi người vợ mất thì người chồng có 2 sự lựa chọn: Một là ra đi tay trắng, hai là chấp nhận lấy chị hoặc em gái vợ để tiếp tục nuôi con và giữ của. Chị H’Quý Rơ Chăm kể ngay từ bé chị đã từng chứng kiến câu chuyện của những người thân của chị phải thực hiện hủ tục lạc hậu này. Vì ràng buộc của cộng đồng, dòng họ, vì thương con, thương cháu mà nhiều người phải chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu, dẫn đến những hệ lụy, bi kịch, đặc biệt là đối với những người phụ nữ.

 

Vì thế, thượng úy H’Quý Rơ Chăm cùng với Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk quyết tâm thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong bà con dân tộc thiểu số để xóa bỏ hủ tục này.

 

Nhân rộng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa 

Trên tinh thần “đồng hành chia sẻ khó khăn với hội viên, với phụ nữ địa phương”, Hội đã tích cực tham gia chương trình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, “100 con bò sinh sản” vì phụ nữ nghèo, tổ chức quyên góp được 29 triệu đồng và trao vốn khởi nghiệp cho 2 phụ nữ khó khăn tại địa phương, 1 hội viên trong đơn vị...

dsc_0041.JPG
Trao vốn khởi nghiệp cho phụ nữ nghèo

 

Đặc biệt, Hội tích cực tham mưu, không quản ngại gian khó đến cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của bà con để tổ chức cho gần 20.000 bà con về thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...

dsc01939.JPG
Chi em hội viên tham gia rèn luyện sức khỏe

 

Để Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị tiếp tục có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu, thượng úy H’Quý Rơ Chăm cho rằng trước hết mỗi cán bộ, hội viên phải nâng cao nhận thức hơn nữa về các cuộc vận động, phong trào thi đua. Đặc biệt, mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần gương mẫu, từ lời nói, việc làm đến những hành động trong cuộc sống. Bởi theo Thượng úy H’Quý Rơ Chăm, “cán bộ nào thì phong trào ấy”. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm