Năm 2018, vợ chồng anh Phàng A Páo - chị Sùng Y Ganh (dân tộc Mông, ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã mạnh dạn mở Homestay trên đỉnh Pà Cò để đón khách. Ngôi nhà xinh xắn của họ tràn ngập hoa tươi, rộn tiếng chim hót khiến du khách mê mẩn.

Homestay đẹp như tranh "hút" khách du lịch đến bản nhỏ

Năm 2018, vợ chồng anh Phàng A Páo - chị Sùng Y Ganh (dân tộc Mông, ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã mạnh dạn mở Homestay trên đỉnh Pà Cò để đón khách. Ngôi nhà xinh xắn của họ tràn ngập hoa tươi, rộn tiếng chim hót khiến du khách mê mẩn.

Nhà họ nằm bên lưng núi với đồi chè xanh mướt. A Páo và Sùng Y Ganh đều lớn lên tại bản Chà Đáy, cả đời gắn với nương, với rẫy. 

Đất rừng Pà Cò bát ngát, ruộng, vườn nhà A Páo mênh mông, mà nhà A Páo vẫn nghèo. Những năm trước đây, khi con đường bê tông lên Pà Cò chưa được làm, việc lên tới Pà Cò là một chặng đường nhọc nhằn. 

Vợ chồng A Páo nai lưng ra làm cũng chỉ lo được mấy bữa ăn. A Páo từng đi bộ đội, khi về bản còn tham gia công tác xã hội. Ở cương vị nào cũng vất vả, cũng thấy vẫn cần phải tìm ra một con đường đưa mình thoát nghèo, thoát khổ.

Mạnh dạn mở homestay

Pà Cò cùng với Hang Kia là 2 xã vùng cao của huyện Mai Châu. Cách đây chục năm, nơi này được coi là thủ phủ ma túy của miền Tây Bắc. Biết bao người Mông đã đi vào con đường buôn bán ma túy rồi bị xử tù, tử hình. Không phải ai cũng có thể đứng ngoài cuộc "con đường chết trắng" này. Ma túy khiến bao gia đình rơi vào cảnh khốn cùng.

Homestay đẹp như tranh vẽ của vợ chồng A Páo - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Ganh - anh Páo đã mạnh dạn mở homestay để đón khách du lịch.

Khi ấy, người ở các địa phương khác, đều nghĩ rằng, mảnh đất Pà Cò rất nguy hiểm, ít người dám lên đây nghỉ dưỡng, dù biết nơi này là nóc nhà của xứ Mường. 

Pà Cò đẹp như miền cổ tích. Nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, Pà Cò có khí hậu mát mẻ và ôn hòa. Cũng trong quãng thời gian ma túy làm đảo điên thiên địa nơi đây, nhiều du khách nước ngoài vẫn đến đây du lịch. Họ cảm thấy hạnh phúc khi được ở cùng bà con người Mông và tìm hiểu phong tục tập quán nơi đây.

A Páo khi đó còn nhỏ, suốt ngày cắm mặt trên nương, trên rẫy, nhìn du khách đi thăm thú bản mình, A Páo thấy chạnh lòng. A Páo nghĩ, chẳng hiểu họ đến bản mình vì điều gì. 

Nhiều khách đến đây còn muốn nghỉ lại, nhưng cả bản Chà Đáy không gia đình nào làm dịch vụ lưu trú. 

Nhận thức của A Páo đã thay đổi, khi A Páo sang làm việc cho nhà A Chu ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. A Chu đã mở cửa nhà đón khách du lịch từ nhiều năm nay. 

Nhà A Chu sống ổn nhờ nguồn thu từ du lịch. A Páo mới hiểu cách làm du lịch của A Chu. Những phong tục tập quán tưởng như chẳng có điều gì thú vị lại là điều hấp dẫn vô cùng với khách du lịch ở miền xuôi.

Homestay đẹp như tranh vẽ của vợ chồng A Páo - Ảnh 2.

A Páo đã vận động vợ thay đổi cách làm, thay vì trồng ngô, trồng lúa, vợ chồng A Páo mở homestay. Từ cách làm của A Páo, nhiều hộ dân khác trong bản Chà Đáy, xã Pà Cò cũng làm theo. Giờ bản Chà Đày có 3 homestay.

Nghĩ đến nương chè, nương ngô, chưa nuôi nổi người Mông, A Páo cũng quyết tâm thay đổi cách làm ăn. Chị Ganh vợ A Páo cũng thống nhất với chồng là biến nhà mình thành nơi đón khách du lịch. 

"Mình cũng phải làm du lịch như A Chu. Bản mình, nhà mình thực ra vô cùng đẹp, mình phải biết biến cái đẹp đó thành nguồn sống của gia đình", vợ A Páo động viên chồng. Thuận vợ thuận chồng họ cùng bắt tay vào làm du lịch, mở homestay đón khách.

Mang tờ rơi về tận hồ Hoàn Kiếm quảng bá

A Páo mở homestay là một điều bất ngờ đối với người Mông nơi đây. Họ quen làm nương, ít ai quen việc đón người khác đến nhà mình ở rồi thu tiền. Vợ chồng A Páo lại có niềm tin là mình sẽ thành công, bởi lẽ hàng năm, nhất là vào mùa hè và mùa xuân, du khách kéo lên Pà Cò rất đông. Họ đến chơi, nhưng ở trong bản chưa có nhà ai xây dựng và nấu ăn phục vụ du khách. Nếu mình làm dịch vụ tốt, du khách tự khắc sẽ đến với mình.

Homestay đẹp như tranh vẽ của vợ chồng A Páo - Ảnh 3.

Đường vào homestay của 2 vợ chồng

Sau những nỗ lực và dày công xây dựng khu nhà cho khách nghỉ, A Páo cũng hoàn thành. Mấy căn bungalow (nhà gỗ) nằm trên đỉnh núi sau nhà có quang cảnh rất đẹp. Xung quanh nhà A Páo còn trồng các loại hoa rừng. Mùa nào hoa cũng nở rộ. 

Ngoài thời gian làm việc xã hội, khi về nhà vợ chồng A Páo lại sửa sang, trang trí cho mấy căn nhà nghỉ. Chị Ganh quen việc thêu thùa, nên những mảng trang trí cho khu nhà, chị đều tự làm lấy. Họa tiết, hoa văn mà chị Ganh tự tay thêu được khắc họa trên rèm cửa và chăn đệm. Mấy phòng nghỉ khang trang, sạch đẹp mang đậm bản sắc của người Mông.

Homestay đẹp như tranh vẽ của vợ chồng A Páo - Ảnh 4.

Du khách đến với homestay của vợ chồng A Páo - Y Ganh

Những ngày đầu khách chưa biết đến Homestay của gia đình, vợ chồng A Páo đón được rất ít khách. Suốt mấy tháng mùa mưa trôi qua, ngôi nhà của A Páo vắng bóng du khách. Dù vợ chồng A Páo đã rất kì công trong việc quảng cáo và rộng lòng đón khách. Trước việc homestay ế ẩm, vợ chồng A Páo đã nghĩ ra một chuyện mà ít người dám làm đó là in tờ rơi, rồi cùng nhau về hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát tờ rơi để mời gọi du khách.

Homestay đẹp như tranh vẽ của vợ chồng A Páo - Ảnh 5.

Tận dụng cảnh đẹp trên đỉnh Pà Cò và nền văn hóa Mông, 2 vợ chồng đã và đang làm giàu trên chính quê hương của mình.

Việc này đến giờ vẫn khiến A Páo bất ngờ về cách làm của mình. "Lúc chúng tôi phát tờ rơi, nhiều người không nhận. Họ tưởng chúng tôi bán hàng, quảng cáo sản phẩm. Khi thấy vợ chồng tôi nói tiếng phổ thông còn lơ lớ, mọi người mới đón nhận. Họ tin là chúng tôi quảng cáo cho khu nhà của mình, chứ không phải quảng cáo cho đơn vị khác", A Páo nhớ lại.

Việc làm của vợ chồng A Páo dù chưa mang lại hiệu quả tức thì, nhưng ít nhất cách quảng cáo này của A Páo cũng gợi lên sự tò mò của nhiều người. Khi khách Hà Nội đến khu nghỉ dưỡng của A Páo cũng là lúc vợ chồng anh bắt đầu có thu nhập. 

Khu nghỉ dưỡng hoạt động được hơn năm, vợ chồng A Páo đón tin dữ dịch Covid-19 xảy ra. Suốt 2 năm trời, du khách lên Pà Cò càng ít hơn. Homestay của A Páo lại rơi vào tình trạng cửa đóng then cài.

Homestay đẹp như tranh vẽ của vợ chồng A Páo - Ảnh 6.

Du khách Hà Nội đến thăm homestay của vợ chồng A Páo - Y Ganh

Suốt 2 năm không có thu nhập mà vẫn phải tu sửa khu nghỉ dưỡng khiến vợ chồng A Páo vô cùng khó khăn. Vợ chồng A Páo vẫn kiên trì sang sửa. Khi dịch bệnh được đẩy lùi, A Páo bắt đầu có khách đến. Khu nghỉ xinh xắn và tràn ngập hoa tươi và mây trời của nhà A Páo có khách đều đặn.

Homestay đẹp như tranh vẽ của vợ chồng A Páo - Ảnh 7.

A Páo là người dám nghĩ, dám làm ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Khách đến nhà, A Páo nấu những món ăn đậm chất dân dã. Từ rau rừng đến gà đồi, lợn bản... là những món ăn tạo ra sự thú vị cho khách hàng. 

Vào cuối tuần khu nghỉ thường "cháy phòng". A Páo còn đang tính toán mở rộng và gây dựng cảnh quan đẹp hơn nữa. Vợ chồng A Páo bắt đầu có nguồn khách ổn định, nhờ đó mà thu nhập cũng được tăng lên. 

Trong dịp lễ, Tết khu nghỉ dưỡng đẹp như tranh vẽ của vợ chồng A Páo luôn kín khách. Từ cách làm của A Páo, nhiều bà con ở bản Chà Đáy cũng mở homestay. Họ đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, gia tăng thu nhập cho gia đình từ dịch vụ này và góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình đến được với nhiều người hơn...

Bài, ảnh: Thuần Việt