Hơn 80 triệu trẻ em phải làm những công việc nguy hiểm

12/06/2017 - 16:32
Chấm dứt sử dụng lao động trẻ em tại các khu vực xung đột và thiên tai là chủ đề chính của Ngày Thế giới chống lao động trẻ em 12/6 năm nay và cũng là lời kêu gọi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra nhân ngày này.
Phát biểu nhân sự kiện này, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh: "Hôm nay chúng ta kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm tới số phận những trẻ em bị ảnh hưởng trong các cuộc xung đột và thiên tai, cũng như những nguy cơ đặc biệt liên quan đến lao động trẻ em. Dù bạn ở đâu, hãy tham gia cùng chúng tôi tổ chức Ngày Thế giới chống lao động trẻ em. Không thể để chậm trễ hơn nữa. Thế giới cần tăng cường hành động nhằm nhanh chóng loại trừ mọi hình thức lao động trẻ em".

tre1.jpg
 Ảnh minh họa (Nguồn: Aworldatschool.org)
Theo ILO, tại các khu vực xung đột có 1,5 tỷ người sinh sống và khoảng 200 triệu người bị ảnh hưởng của thiên tai hằng năm, trong đó 30% là trẻ em. Trong số 168 triệu trẻ em đang phải lao động, có khoảng 50% trẻ em làm những công việc nguy hiểm.

Tổng Giám đốc Ryder cho biết tại các khu vực xung đột và thiên tai, nhà cửa và trường học thường bị phá hủy, nhiều gia đình mất khả năng kiếm sống. Do thiếu sự chăm sóc của gia đình và không được xã hội bảo vệ, trẻ em đối mặt với nguy cơ cao bị buộc phải lao động.

Đặc biệt dễ bị tổn thương là những trẻ em bị tách khỏi cha mẹ trong quá trình di cư chạy trốn xung đột, rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, chúng dễ trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người và bị bóc lột. Ngoài ra, có những trường hợp trẻ em bị ép buộc cầm súng, làm lá chắn sống trong các cuộc xung đột vũ trang.

tre.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest) 
Ông Ryder nhấn mạnh những Mục tiêu Phát triển bền vững được cộng đồng thế giới thông qua yêu cầu loại trừ mọi hình thức lao động trẻ em trước năm 2025.

Ông hoan nghênh việc Ấn Độ phê chuẩn Công ước 138 về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước 182 về việc cấm và loại trừ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Như vậy, gần như toàn bộ trẻ em trên thế giới được bảo vệ bởi Công ước 182 và mức bao phủ của Công ước 138 đã tăng từ 60% lên 80%.

Ngày Thế giới chống lao động trẻ em lần đầu tiên được ILO tổ chức năm 2002 và từ đó được tổ chức hàng năm vào ngày 12/6 nhằm thu hút sự quan tâm của thế giới đối với vấn đề lao động trẻ em và sự cần thiết áp dụng các biện pháp loại trừ vấn nạn này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm