Những lời nói dối trong phim xuất phát từ tình yêu của ông bố trẻ Guido dành cho cậu con trai 5 tuổi Joshua. Vì là người Do Thái, hai bố con bị phát xít bắt vào trại tập trung vào đúng ngày sinh nhật cậu bé. Ngay từ khi bị bắt, ông bố thông minh đã biến cuộc sống tàn khốc trước mặt thành một cuộc chơi thú vị, mạo hiểm để cậu bé không bị sợ hãi, ám ảnh.
Tất cả những đày ải khổ cực trong trại tập trung được Guido “biến hóa” thành những thử thách bắt buộc phải vượt qua để ghi điểm một trò chơi lớn. Phần thưởng cho trò chơi lớn là chiếc xe tăng thật, mới, đẹp - điều mà cậu con trai mơ ước.
Để thể hiện có trách nhiệm với trò chơi, cũng là để chấp nhận sự thực gian khó, Guido đã giành phần phiên dịch tiếng Đức ra tiếng Ý khi một sĩ quan quân phát xít vào phòng giam. Anh hùng hồn dịch những yêu cầu của tay phát xít với các tù nhân thành ý muốn của mình để thuyết phục con trai tin hơn vào “trò chơi” cậu bé đang tham gia, anh cũng không quên mượn miệng gã phát xít hầm hồ đặt ra những yêu cầu cho con: Không được khóc, không được đòi ăn bánh kẹo…
Tấm lòng cao cả của người bố thể hiện rõ nhất khi Giudo hiên ngang đi trước họng súng của quân thù nhưng vẫn tếu táo nháy mắt đùa vui với con trai. Và lúc ấy, cậu bé vẫn tin rằng cậu cần phải ngồi im như bố dặn, còn bố thì đang ghi điểm với một thử thách nào đó để lấy phần thưởng xe tăng về mừng sinh nhật mình.
Niềm vui vỡ òa khi chiếc xe tăng của đoàn quân giải phóng từ từ tiến vào sân nhà ngục. Khi mọi người đã bỏ đi hết, chỉ còn cậu bé Joshua ở lại. Cậu bé ở lại cuối cùng vì thực hiện theo lời dặn của bố: “Con chỉ được ra khi mọi người đã bỏ đi hết. Nếu con ra sớm trò chơi sẽ kết thúc, chúng ta thua cuộc” - thực chất để bảo vệ sự an nguy cho con trai mình, không để cậu bé rơi vào tay phát xít.
Cậu nhóc tin rằng chiếc xe tăng của quân giải phóng lái vào sân là phần thưởng dành cho bố con mình - người chiến thắng. Trên chiếc xe tăng thật, to, mới ấy, cậu bé cười vui mừng và kiêu hãnh khi đã chiến thắng trò chơi rất kham khổ và gặp lại mẹ mình.
Kết phim là giọng nói của cậu bé Joshua khi trưởng thành, rằng: “Đó là câu chuyện của tôi… Là câu chuyện về sự hy sinh của cha tôi… Là món quà cha đã tặng tôi…”.
Bên cạnh tình cha con - chủ đề xuyên suốt của bộ phim thì tình yêu, nghĩa vợ chồng cũng được khắc họa như những gam màu ấm áp phủ trên nền đen xám của các bức tường nhà tù khắc nghiệt. Đó là giây phút hai cha con bị bắt đi, người vợ Dora - người Ý duy nhất trong gia đình họ - chạy theo để xin được đi cùng vào nơi tàn bạo, chết chóc.
Đó là khi Dora ngồi thất thần sau một ngày bị bóc lột bỗng nghe những thanh âm dịu dàng của bản tình ca cô thích, được gửi đến từ người chồng trong nhà giam nam giới. Đó là khi Guido vượt qua mọi hiểm nguy và phải trả giá bằng cái chết khi đi tìm vợ để cùng chạy trốn…
Bộ phim bật lên thông điệp về tình cha con: Dù trong những thời khắc đen tối nhất, cha vẫn muốn con nhìn cuộc đời đầy hy vọng.
Bằng trí tưởng tượng vô bờ và tình yêu thương vô hạn, Guido đã giữ gìn nụ cười thơ ngây, tâm hồn trong sáng của con, giúp Joshua vượt qua được quãng thời gian mà sau này, khi đã trưởng thành, Joshua hiểu đó chính là thời khắc đen tối nhất của cuộc đời mình. Đối với những người xem phim, chắc chắn sẽ có những quãng lặng đọng lại để bạn thấm thía hơn về Tình Cha.
Phim “Cuộc sống tươi đẹp” do Roberto Benigni đạo diễn, sản xuất năm 1997 và đoạt giải Oscar năm 1999 ở hạng mục “Phim nước ngoài xuất sắc nhất”. |