Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: “Tiễn dặn người yêu” - linh hồn của văn hóa đồng bào dân tộc Thái

04/11/2021 21:58
Chàng trai và thiếu nữ dân tộc Thái bên dòng suối. Ảnh minh họa

Chàng trai và thiếu nữ dân tộc Thái bên dòng suối. Ảnh minh họa

Không chỉ là một truyện thơ nổi tiếng về tình yêu lứa đôi, “Tiễn dặn người yêu” còn ăn sâu vào nhiều nét sinh hóa của cộng đồng người dân tộc Thái và trở thành linh hồn văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc này.

Không lấy được nhau mùa hạ ta lấy nhau mùa đông/ Không lấy nhau lúc trẻ ta lấy nhau góa bụa về già… Đó là những câu hát đã trở nên thân quen thuộc với người Thái. Nó là lời thề hẹn sắt son của gái trai trong những dịp hát giao duyên xưa nay ở chốn bản mường, những nơi cư ngụ của các cộng đồng Tày, Thái. Lời hát gieo vào tâm khảm không chỉ của những người đang yêu mà còn là một ước vọng ngàn đời của người dân về một cuộc sống chồng vợ thủy chung bền chặt.

Những lời ca ấy quen thuộc đến nỗi người ta có thể nghe thấy ở bất cứ cuộc giao duyên nào của trai gái Thái hay đơn giản chỉ là những cuộc vui hội hè mừng nhà mới, cưới xin hoặc hội vui khi tết đến xuân về. Nó phổ biến ở khắp những vùng cư ngụ của người Thái, nơi mà hát giao duyên vẫn còn xuất hiện trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Lời hát quen thuộc đến nỗi chẳng mấy ai để ý rằng đó là một trong những trích đoạn hay nhất của Xống Chụ Xon Xao (Tiễn dặn người yêu) của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam. Đây là tác phẩm văn học khuyết danh và cũng là bài dân ca dài bậc nhất được biết đến trong kho tàng dân ca của cộng đồng gần hơn 1,8 triệu người này.

Hồn dân tộc qua làn điệu dân ca: “Tiễn dặn người yêu”-linh hồn của văn hóa đồng bào dân tộc Thái - Ảnh 1.

Nam nữ đồng bào dân tộc Thái

Nhiều người biết đến Tiễn dặn người yêu là một câu chuyện được kể bằng những lời thơ có vần điệu nói về mối tình trắc trở của một đôi trai gái. Câu chuyện bắt đầu từ khi hai người còn trong bụng mẹ rồi lớn lên yêu nhau. Cô gái bị ép gả cho người khác, chàng trai phẫn chí bỏ đi tính kế làm giàu, khi về cũng là lúc người yêu về nhà chồng. Thế rồi qua những thăng trầm của cuộc sống, cô gái bị ruồng bỏ, bị bán ra chợ. Người tình cũ gặp và "mua" cô về bằng một bó lá dong. Về sau, nhờ chiếc đàn môi, họ nhận ra nhau và thành vợ thành chồng.

Nhưng kỳ thực mà nói thì câu chuyện vừa là xương sống của tác phẩm, cũng là một thứ gia vị cho những cuộc giao duyên. Bởi lẽ, cảm xúc từ lời ca mang lại cũng chẳng hề kém cạnh nội dung câu chuyện: Đôi ta ngồi xuống tận khi gà gáy/ Đeo mộng về nhà lúc xế vầng trăng. Đó quả là những hình ảnh rất nên thơ và thường xuất hiện trong những trường đoạn cao trào của bản trường ca. Trước khi bị ép gả, cô gái đã dự cảm được nỗi xa cách, chia ly từ hình ảnh mặt trời lúc ngày tàn: Mặt trời lặn mặt trời không gọi/ Mặt trời đi, mặt trời không chờ/ Mặt trời khuất mây mù sắp tới…

Những dự cảm về sự trắc trở trong nhân duyên thường được ví von đầy ước lệ mê đắm khôn nguôi. Như nỗi đau của chàng trai khi chứng kiến cảnh người yêu sắp phải đi làm vợ người khác mà đành bất lực cũng được ví von một cách ước lệ: Bạn tình hỡi, người yêu ơi/ Khác nào hoa tươi đỉnh núi/ Mắt nhìn mà không với tới. Rồi chàng trai chỉ còn biết ước mình có phép lạ để "biến em yêu thành vợ quý trong nhà".

Nỗi buồn trong phút chia ly khi chàng trai tiễn cô gái trong lễ đón dâu cũng thật đẹp: Gặp nhau đây thoắt bỗng chia lìa/ Đôi ta yêu nhau đợi tới tháng năm lau nở/ Đợi mùa nước đỏ cá về/ Đợi chim "táng lo" hót gọi hè/ Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông/ Không lấy được nhau thời trẻ, ta lấy nhau khi góa bụa về già.

Thiếu nữ dân tộc Thái

Thiếu nữ dân tộc Thái

Với không gian của những buổi giao duyên thì có lẽ logic của câu chuyện không còn là điều trọng yếu nữa. Sức mạnh của lòng sắt son, thủy chung vượt qua mọi lễ giáo, rào cản. Dù cô gái đã thành vợ người nhưng hai người nguyện chết cũng không chịu chia lìa: Chết ba năm hình còn treo đó/ Chết thành sông vực nước mát lòng/ Chết thành đất mọc đầy trầu xanh thắm/ Chết thành bèo trôi nổi ao chung/ Chết thành muôi, múc xuống cùng bát/ Chết thành hồn chung một mái song song…

Không chỉ là câu chuyện về tình yêu lứa đôi và là linh hồn của những cuộc hát giao duyên, truyện thơ Tiễn dặn người yêu còn là bức tranh sống động về cảnh sắc quê hương vùng núi Tây Bắc. Những sông Mã, sông Đà và các mường của người Thái xuất hiện đều đặn trong gần 2.000 câu thơ mà để hát hết bản trường ca, nhiều khi người ta phải mất trắng đêm.

Tuyện thơ Tiễn dặn người yêu có nhiều bản với những độ dài khác nhau từ 1.600 - 1.800 câu thơ. Tác phẩm được cho là bắt đầu xuất hiện vào khoảng những năm 1920. Lần đầu tiên tác phẩm được xuất bản thành sách vào năm 1957 ở Khu tự trị Việt Bắc và đến nay đã qua nhiều lần bổ sung, chỉnh lý để dần hoàn thiện. 

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa người Thái, nơi xuất hiện của Tiễn dặn người yêu là khu vực Thuận Châu, Sơn La vì nhiều địa danh được nhắc đến trong bản trường ca thuộc địa bàn này. Tiễn dặn người yêu ảnh hưởng sâu sắc đến các làn điệu dân ca của người Thái ở trong nước. Đến nỗi người ta khó có thể tìm thấy một bài dân ca Thái nào mà không chịu ảnh hưởng ít nhiều từ tác phẩm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.