Hồn dân tộc qua những câu ca dao: Ấm áp tình vợ chồng trong nhọc nhằn mưu sinh

05/10/2021 09:31
Càng trong hoàn cảnh lao động vất vả, tình chồng, nghĩa vợ càng hiện ra thật đẹp. Ảnh: Trần Văn Tài

Càng trong hoàn cảnh lao động vất vả, tình chồng, nghĩa vợ càng hiện ra thật đẹp. Ảnh: Trần Văn Tài

Từ trong cực nhọc, tình yêu và tình nghĩa vợ chồng càng thêm sâu nặng, gắn bó - đó là điều mà người xưa khắc họa rõ nét trong những câu ca dao.

Ca dao, dân ca đề cập đến tất cả các mối quan hệ tình cảm của con người. Nhưng nổi bật nhất là tình cảm gia đình - mà sâu sắc nhất là tình cảm vợ chồng. Và càng trong hoàn cảnh lao động vất vả, tình chồng, nghĩa vợ càng hiện ra thật đẹp, với những ẩn ý khuyên dạy rất thấm thía mà cha ông ta đã để lại.

Đến với bài ca dao Rủ nhau lên núi…, chúng ta sẽ thấy rõ hơn tình nghĩa vợ chồng thủy chung, keo sơn, gắn bó:

Rủ nhau lên núi đốt than/ Chồng mang đòn gánh vợ mang quang giành/ Củi than nhem nhuốc với tình/ Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.

Đọc bài ca dao này, ta bắt gặp mô típ quen thuộc: Rủ nhau… Hẳn ai cũng đã từng nghe: Rủ nhau xuống bể mò cua/ Đem về nấu quả mơ chua trên rừng/ Ai ơi chua ngọt đã từng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau…

Đó là lời khẳng định những cuộc "hẹn hò" cùng nhau xuất phát từ lao động, mưu sinh nhưng luôn luôn có nhau với lời hẹn ước không bao giờ xa nhau, dẫu có vô vàn khó khăn cũng không hề thay lòng đổi dạ.

Đôi vợ chồng trong bài ca dao ngày ngày rủ nhau lên núi đốt than. Đây là một công việc vô cùng nặng nhọc: kiếm củi, chặt củi, đốt thành than đem bán để kiếm sống. Gian khổ vất vả là vậy nhưng hai vợ chồng biết chung lòng hợp sức cùng gánh vác. Không phải là chỉ có chồng hay vợ lên rừng đốt than mà "rủ nhau". Họ cùng nhau lên rừng lao động, chẳng ai bảo ai mỗi người một thứ: "Chồng mang đòn gánh vợ mang quang giành". Họ có chung một mục đích, một công việc và chung cả tấm lòng chung thủy nữa.

Hạnh phúc bình dị của vợ chồng người nông dân

Hạnh phúc bình dị của vợ chồng người nông dân. Ảnh minh họa

Công việc nặng nhọc, vất vả đến "lem luốc" nhưng đằng sau đó là cái "tình", là sự đồng lòng, hiệp sức, không quản ngại vất vả, khó khăn. Điều giản dị ấy làm nên hạnh phúc trong những bữa cơm nhà nghèo từng được ca dao nhắc đến: "Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon…".

Hạnh phúc nảy nở từ sự đồng lòng, hợp sức, hiểu nhau và thương nhau: Củi than nhem nhuốc với tình.

Ở trên ta mới chỉ thấy những công cụ phục vụ cho việc lao động thì đến đây ta càng rõ hơn: đốt than, củi than nhem nhuốc nhưng là "nhem nhuốc với tình". Sự đồng sức, chung lòng của cả hai vợ chồng dồn vào công việc tuy gian khổ nhưng tìm thấy niềm vui, sự hòa hợp.

Người dân lao động xưa mượn hình ảnh than lem luốc để đối lập với hình ảnh con người trong sáng, bình dị, dù vẻ bề ngoài có khắc khổ nhưng tâm hồn toát lên vẻ thuần hậu, chịu thương chịu khó, biết san sẻ gánh nặng cùng nhau. Than kia càng nhuốc nhem, công việc càng vất vả thì tình cảm vợ chồng lại càng thêm sâu nặng, gắn bó. Rõ ràng từ trong vất vả con người càng tỏa sáng, và tình yêu càng thêm đẹp. Lời nhắn nhủ dồn hết vào câu cuối:

Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên

Lời vàng đá cũng là lời ước hẹn son sắt thủy chung, một lòng một dạ cùng nhau. Mình là hai người nhưng cũng là cách xưng hô âu yếm với chồng, với vợ. Lời bài ca dao đến tận hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là đối với những ai biết trân quý tình yêu, hạnh phúc vợ chồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.