Hồn dân tộc qua những câu ca dao: Tiếc nhớ tình yêu trong sáng, giản dị nơi làng quê yêu dấu

02/10/2021 10:09
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa…” có âm điệu trầm buồn, thổn thức. Nhưng những kỷ niệm trong trẻo về một tình yêu đẹp vẫn còn vẹn nguyên, khiến cả người trong cuộc không thôi nhớ nhung và tiếc nuối.

Tình yêu vốn dĩ là một đề tài quen thuộc mà không hề cũ trong thơ ca từ xưa đến nay. Ca dao Việt Nam có nhiều bài nói về tình yêu, bằng cảm nhận trong trẻo của những tâm hồn con người lao động mộc mạc, bình dị. Người ta vẫn thường nói "tình chỉ đẹp khi còn dang dở", điều đó thể hiện khá rõ qua bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa…

Vẫn là thể thơ lục bát quen thuộc, nội dung của bài ca dao là lời đối đáp của chàng trai và cô gái – mà bây giờ đã trở thành người yêu cũ. Họ mãi mãi lạc mất nhau trong cuộc đời chỉ vì tình duyên gặp nhiều trắc trở.

Mở đầu là lời của chàng trai: Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân mở ra xanh biếc…

Ta cảm nhận được một không gian làng quê thật êm đềm, nên thơ. Đó là nơi hai người thường hò hẹn với sắc màu trắng tinh khôi của hoa bưởi, màu tìm hoa cà, và màu xanh biêng biếc của nụ tầm xuân. Tình yêu của họ đẹp và trong trẻo như đóa bưởi đang độ ngát hương, trong sáng như bông tầm xuân ngậm giọt sương mai buổi sớm… 

Hồn dân tộc qua những câu ca dao: Tiếc nhớ tình yêu trong sáng, giản dị nơi làng quê yêu dấu - Ảnh 1.

Hoa bưởi màu trắng tinh khôi

Tình yêu đậm sâu từ mùa xuân sang hạ, qua thu rồi đến đông. Hơn thế nữa, tình yêu càng mặn nồng, sâu đậm khi gắn bó với lao động, những công việc hàng ngày luôn có bóng dáng của họ, ghi dấu những khoảnh khắc hẹn hò thật đẹp. Thế nhưng, câu cuối trong lời của chàng trai thật khiến người nghe nghẹn ngào:

Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay!

Vì sao cô gái lại rẽ ngang như thế? Khi giữa hai người có một tình yêu đang độ chín? Giọng của chàng trai vừa chua xót, tiếc nuối lại vừa bất lực bởi đã mất đi người mình yêu.

Hồn dân tộc qua những câu ca dao: Tiếc nhớ tình yêu trong sáng, giản dị nơi làng quê yêu dấu - Ảnh 2.

Lời trách móc của cô gái thật dịu dàng và âu yếm: Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?! Ảnh chỉ mang tinh minh họa

Nối tiếp sự tiếc nuối ấy là lời giãi bày của cô gái: Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

Lời trách móc của cô gái thật dịu dàng và âu yếm: Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?! (Còn không là khoảng thời gian em còn con gái, chưa đi lấy chồng). Chàng trai vì do dự mà làm lỡ chuyện tình duyên, để cô gái mình yêu rơi vào tình cảnh éo le. Nếu không thật lòng yêu thì cô gái không thể có những lời chân thành như vậy. Sự đối lập giữa ba đồng với một mớ, và hình ảnh lá trầu biểu tượng cho tình yêu lứa đôi, hạnh phúc. Cô gái trách người yêu mình vì sao không mang trầu qua dạm hỏi để cưới cô về làm vợ cho tình yêu vẹn trọn, chỉ vì do dự mà lỡ làng cả một đời "bây giờ em đã có chồng". Tình cảnh của cô lúc này "như chim vào lồng, như cá cắn câu" – lối so sánh càng tô đậm rõ tình cảnh của cô gái lúc này, lấy phải người mình không yêu, đó là bi kịch về tinh thần, hơn nữa, sống trong cảnh cá chậu chim lồng, mất cả tự do.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lòng biết thuở nào ra?

Hình ảnh chim vào lồng, cá cắn câu ngoài ý nghĩa chỉ sự tù túng, bế tắc của người phụ nữ xưa, còn có ý nghĩa về một lời nhắn nhủ: Em bây giờ là gái đã có chồng. Cô gái từ chối lời tỏ tình của chàng trai bằng lời lẽ mềm mỏng, khiêm nhường, có lý có tình, khiến cho chàng trai dẫu có buồn, có tiếc thì cũng phải đành lòng chấp nhận.

Bài ca dao có âm điệu trầm buồn, thổn thức, giống như tiếng thở dài chua xót cho duyên phận lỡ làng. Nguyên nhân có thể vì sự do dự, chần chừ của chàng trai, có thể do định kiến của xã hội khiến họ không thể đến được với nhau. Nhưng những kỷ niệm trong trẻo về một tình yêu đẹp vẫn còn vẹn nguyên, khiến cả hai người không thôi nhớ nhung, khắc khoải và tiếc nuối.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.