Hồn gỗ

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thành phố nơi Dạ trọ học có những con đường bán đầy những sản phẩm tượng gỗ. Nhiều lúc, như đã thành một thói quen, Dạ đi chầm chậm men theo con đường, hi vọng tìm lại một gương mặt thân quen...

Ngôi nhà nằm chếch hướng ra đê, đón lấy gió sông thổi vào mát rượi và có thể ngắm nước sông trôi lững thững. Trước đây, Dạ cũng như mấy đứa bạn trong xóm, có thách kẹo hay nằn nì gãy lưỡi đi nữa, cũng chẳng dám bước vào.

- Ngôi nhà ấy có… ma!

Phía trước ngôi nhà chứa la liệt những cây gỗ, đủ hình dáng, đủ chủng loại, có khúc bị cháy đen sì, có khúc mục rỗng ruột, nhìn từ xa ra những hình thù kì dị. Mấy đứa con trai hiếu kỳ còn khẳng định chắc như đinh đóng rằng mấy cây gỗ ấy có khi còn biến thành hình người, hình vật nữa. Bọn con gái lắc đầu lè lưỡi, lo ngay ngáy, thỉnh thoảng vẫn rủ nhau ra đê chơi nhưng qua ngôi nhà ấy thì lờ tịt đi. Sợ bị ma… níu chân.

Dạ bị níu chân thật, trong một lần vô tình đi ngang qua. Nhưng không phải là ma cỏ gì, mà là một anh chàng da ngăm. Buổi chiều buồn buồn, Dạ xách xe chạy lòng vòng rồi cũng ra đê chơi. Cái xe cà khổ dở chứng, giật giật mấy cái rồi ngúc ngắc dừng hẳn, chẳng cách nào đạp nổ. Mồ hôi nhễ nhại, đường lại vắng, Dạ chỉ mong có ai nhìn thấy mình. Đang nghĩ vậy thì anh con trai đi lại, bảo Dạ ghé nhà rồi anh lấy đồ sửa cho. Theo hướng tay chỉ, Dạ giật thót người, mồ hôi muốn ra nhiều hơn. Đó là… ngôi nhà ma!

Dạ lếch thếch đi theo anh vào phía sân nhà. Cách nói chuyện nhã nhặn của anh làm Dạ buồn cười, nhớ tới câu nói của thằng Quý: "Chủ ngôi nhà ấy nói chuyện với gỗ suốt". Đến thật gần ngôi nhà, Dạ thấy lành lạnh. Đấy là cảm giác vậy thôi. Bây giờ còn là cuối thu, đâu đã sang đông?

Những khúc gỗ trông xa kỳ dị vậy, lại gần Dạ chỉ thấy thật thường. Chúng cũng như những khúc gỗ thỉnh thoảng ra sông Dạ vẫn thấy trôi dạt vào bờ sau mùa lũ. Chỉ có điều, chúng nằm gác lên nhau nên với trí tưởng tượng phong phú như của Dạ và lũ bạn, nhìn xa xa có thể nghĩ ra được bao nhiêu là chuyện rợn người.

Dạ ngồi bên mép thềm, e dè nhìn vào căn nhà liêu xiêu dựng tạm bợ bằng tre, trống tuênh. Anh nói như thanh minh: "Nhà chỉ hai cha con nên cũng chẳng chu đáo gì, lại hay đi suốt…". Dạ ngồi im, một lúc, tò mò hỏi về những khúc gỗ. Anh cười, nhiệt tình kể cho Dạ nghe về làng nghề cũ trước đây. Nơi đó, người ta tập trung làm đồ mỹ nghệ từ những khúc gỗ, rễ cây. Cha anh là một trong những nghệ nhân khá có tiếng nhưng cái nghề bạc như vôi.

Một bức tượng gỗ có khi làm kín tuần kín tháng, bán cũng chẳng được bao nhiêu, lại toàn rơi vào tay những kẻ buôn ranh bán dối, chẳng biết gì là nghệ thuật. Những người thợ lành nghề lâu năm như cha anh thì khó có thể chấp nhận chạy theo những mẻ hàng đặt hàng loạt, cái nào cũng như cái nào, vô hồn vô cảm. Cũng bởi vậy mà phải rời làng ra đi.

Cha anh không muốn nhìn thấy cái làng nghề vốn nổi từ lâu đời lại dần thoái hóa, biến chất đi như vậy. Nơi ấy đã gắn với tuổi thơ anh, dẫu chẳng muốn rời nhưng đành phải chấp nhận… Giọng anh chùng xuống, nghe âm âm xa vợi. Dạ lặng im, nghe có một sự cảm thông nghèn nghẹn. Cũng chẳng biết sẽ an ủi hay nói một câu gì, sợ có khi anh lại buồn hơn. Dạ không phải là đứa khéo ăn nói.

Tối ấy về, trong suy nghĩ của Dạ thấp thoáng gian nhà trống huơ và những thân gỗ xù xì. Dạ ghi vào nhật ký, từ những chuyện tưởng tượng về ngôi nhà ma, rồi chuyện anh bạn mới quen kể lại. Dạ thầm mắng mình vô tâm khi cái tên người ta cũng chẳng nhớ, rồi cuộn mình trong tấm chăn mỏng, thầm nghĩ mình sẽ còn gặp lại…

Giờ thì Dạ không chỉ biết tên mà còn biết rõ hơn về Hoành. Anh chàng ngớ người ra, không giấu được vẻ ngạc nhiên khi gặp lại. Không hiểu sao, Dạ đã bớt nhiều lạ lẫm khi bước vào khoảng sân cũ ấy. Hoành đang ngồi đục hình một con đại bàng tung cánh, tỉ mẩn với những góc cạnh. Ngưng công việc, rót nước cho Dạ, hai bàn tay to bản lấm tấm bụi gỗ lóng ngóng. Dạ thấy thật lạ, làm sao bàn tay thô ráp ấy lại có thể nhanh nhạy và khéo léo đến vậy trong công việc?

Dạ tò mò nhìn anh tiếp tục công việc, anh chậc lưỡi, nói trổng:

- Buồn thì làm cho vui thôi, chứ việc của anh chỉ là đi nhặt những gốc cây trôi sông về cho cha. Anh cũng học được chút chút cách làm từ cha. Ông làm đẹp lắm!

Hoành chỉ cho Dạ những khối gỗ đã thành hình nơi góc nhà. Đó là chúa sơn lâm oai vệ, kia là cô tiên nữ thướt tha áo váy, tay gảy đàn… Tất cả trông thật sống động. Hẳn cha anh phải chăm chú lắm với từng đường nét mới làm nổi những bức có hồn đến vậy.

Hoành kiễng chân với trên cái kệ kê ngang, lôi xuống bức tượng Chúa, hai tay nâng niu rồi trao cho Dạ:

- Tặng em! Là anh làm đấy! Chẳng đẹp lắm nhưng vẫn là Chúa. Có Chúa bên cạnh thì mọi việc sẽ bình an hơn…

Dạ đỡ lấy, hơi ngài ngại:

- Anh cũng cần sự bình an mà!

Ừ, nhưng cái số anh lại là số khổ, trời định sẵn rồi…

Dạ chạnh buồn. Nghe giọng anh sao mặn mòi. Hoành bật cười:

- Em đang nghĩ gì vậy? Thực ra có số hay không thì con người ta cũng phải vươn lên mà sống chứ, đổ lỗi cho trời đâu được! À, hay em không thích? Hay là tượng ấy xấu?

Dạ mim mím môi, thấy suy nghĩ của anh người lớn quá. Bức tượng Chúa nhân từ đang mỉm cười thật độ lượng.

Có một điều mà Dạ không hề biết đến là tại sao nhà anh chỉ có hai cha con. Dạ cũng chẳng dám hỏi, sợ lại một lần nữa vô tình đụng vào nỗi đau của người khác. Cũng chẳng mấy khi Dạ thấy người cha ở nhà. Chỉ một lần thấy ông đang gò tấm lưng khắc khổ xuống chạm trổ bức gì đó, mồ hôi túa ra cả tấm lưng áo bạc mà gương mặt không giấu được vẻ say mê. Nghe bảo, ông phải xuôi đò đi rao bán ở các bến sông suốt, có khi còn phải vào tận khắp những con đường nơi trung tâm thành phố.

Chiều, Dạ theo anh đi nhặt gốc cây nổi. Mùa này, những con nước hay dâng lên, nên tìm được không khó. Anh chỉ cách chọn những gốc cây có thể tạo dáng đẹp cho Dạ. Anh bảo, hàng trăm gốc cây chẳng có cái nào giống cái nào, mỗi cái một dáng, một kiểu. Biết cách chọn thì có những gốc, bản thân nó đã có những đường cong nét chuyển đẹp. Như vậy người thợ sẽ dễ thổi hồn vào đó hơn.

Dạ nghe như nuốt lấy từng lời lạ lẫm. Cuối buổi, Dạ chỉ cho anh đường tới nhà và mời đến dự sinh nhật. Anh ngại ngùng, thành khẩn:

- Có lẽ, anh chẳng đi được đâu. Anh không quen những hoạt động như vậy, trước giờ chưa hề đi…

Dạ hơi chạnh lòng. Coi anh như một người bạn đáng mến, Dạ mới mời tới, vậy mà… Anh cảm giác như có lỗi, nói nước đôi:

- Thôi vậy, có thể anh sẽ đến, nhưng em đừng chờ nhé!

Dạ cười gượng, dắt xe ra về.

Đêm đó trời nổi gió, mẹ bảo bắt đầu mùa bão. Mẹ kể lại, năm Dạ sinh cũng vậy. Bố lại đi công tác xa. Một mình mẹ xuôi ngược, đêm nằm phải canh mấy chỗ dột từ mái ngói thủng mà lo ngay ngáy. Đã vậy, con nhóc Dạ lúc đó còn không biết thương, thỉnh thoảng tè ra cả giường, mẹ phải nằm đè lên chỗ ướt để nó nằm chỗ khô kẻo lạnh! Mấy đứa bạn Dạ vô tư cười giòn. Dạ mặt hồng lên, ôm lấy mẹ, chẳng biết vì ngượng hay vì sung sướng!

Sinh nhật tuổi 18 khá vui vẻ. Tới tận khuya, lũ bạn kéo nhau về hết. Tiễn tới đứa cuối cùng ra khỏi cổng, như vô tình, Dạ nhìn theo hướng dẫn ra sông dù thừa biết khuya khoắt thế này, chẳng ai về hướng ấy!

Dạ không thể nghĩ mình có thể giận người khác lâu đến vậy. Bình thường, thỉnh thoảng gây chuyện với cái Nga, cũng chỉ một hai buổi là dễ dàng bỏ qua, xí xóa cười xòa. Suốt mấy hôm nay, mây đen lúc nào cũng chực kéo đến, mưa kéo dài. Trời như mí mắt của người khó ngủ, sầm sì lại, lúc nào cũng chực cau có. Thực ra, Dạ cũng đã có ý định ghé qua chỗ ấy xem dạo này sao rồi. Lại thôi, tự biện minh rằng, chắc chẳng sao, vả lại dạo này có nhiều bài tập quá. Cuối năm nay thi rồi còn gì?

Buổi chiều, đi học về, mẹ đưa cho Dạ một bức tượng tạc hình một cô bé tóc lũn tũn, cái mũi hênh hếch. Mẹ bảo, giống Dạ lắm, nhất là cái vẻ bướng bỉnh. Dạ không cười nổi với câu đùa như mọi khi, vội chạy về phòng, đọc liến láu những dòng chữ viết vội:

"Chiều nay cha con anh lại phải đi, đến một nơi nào đó yên bình và kín gió cho qua mùa bão này. Tiếc là không gặp lại em. Còn giận anh không, cô bé? Chúc em luôn bình an!".

Dạ thấy giận mình kinh khủng. Cảm nhận như chính cái tính ích kỷ làm mình mất đi một người bạn tốt. Dạ xách xe đạp ngược luồng gió từ sông thổi vào, không để ý những cơn gió chiều đang mạnh hơn.

Trời lại sắp có giông!

Căn nhà trống huơ, trống hoác, cả một bóng người cũng không. Chỉ qua mấy ngày mưa to mà trông nó đã tàn tạ lắm, mấy tấm tranh bị gió thổi bung cứ dật dờ. Phía trước sân, những khúc gỗ trơ trọi để lại, khúc mục rỗng, khúc cháy đen, buồn đến nao cả lòng.

Rồi thì Dạ cũng dần vơi đi cái cảm giác có lỗi. Thi thoảng, nhìn bức tượng Chúa dựng nơi bàn học, Dạ lại thầm cầu an cho anh. Hy vọng sẽ có một bến bờ bình yên nào đó…

Thành phố nơi Dạ trọ học có những con đường bán đầy những sản phẩm tượng gỗ. Nhiều lúc, như đã thành một thói quen, Dạ đi chầm chậm men theo con đường, hi vọng tìm lại một gương mặt thân quen. Biết đâu, sẽ có anh hay cha anh trong số đó. Nhưng rút cuộc chỉ toàn những gương mặt xa lạ. Thất vọng, Dạ cảm thấy còn mắc nợ ai đó, một điều gì…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.