Năm 2008, được sự hỗ trợ của dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường Cao đẳng NN-PTNT Bắc bộ, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã triển khai mô hình trồng rau hữu cơ trên địa bàn. Đây là mô hình với sự kết hợp 4 nhà gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Những năm đầu, Dự án triển khai tại 7 đơn vị, gồm thị trấn Lương Sơn, xã Hoà Sơn, Nhuận Trạch, Hợp Hoà, Thành Lập, Cư Yên, Tân Vinh. Hoạt động dưới dạng “nhóm sở thích” gồm 8 nhóm và 1 hợp tác xã với 82 thành viên với tổng diện tích 2,7 ha. Được tạo điều kiện về đất, kiến thức, kỹ thuật trồng rau theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ. Các thành viên nhóm sở thích bắt tay vào thực hiện.
Trong số đó, xóm Mòng - Thị trấn Lương Sơn được đánh giá là hoạt động tốt nhất, chất lượng rau đạt tiêu chuẩn tốt, thành viên nhiệt tình tham gia, được công nhận là nhóm tiêu biểu, điển hình của huyện.
Tại xóm Mòng - Thị trấn Lương Sơn, ngày 27/10/2011, HTX nông sản hữu cơ Lương Sơn chính thức được thành lập. Đây là mô hình HTX kiểu mới đầu tiên, do Viện Chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn – IPSART (Bo NN&PTNT) phối hợp với tỉnh Hoà Bình và Công ty TNHH Kết nối Xanh (Greenlink) thành lập.
Năm 2012, Chính phủ ban hành Luật HTX (kiểu mới). Được tập huấn kiến thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, những người nông dân xóm Mòng đã chuyển đổi theo luật HTX 2012, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng rau hữu cơ; các thành viên cùng chung tay đóng góp, huy động vốn, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nhau về giống mới.Hiện HTX có 14 thành viên được chia thành 2 nhóm, với diện tích đất 6.000 m2 chuyên sản xuất các loại rau theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ.
Để trồng rau hữu cơ, mỗi người dân được tập huấn 3 tháng về phương pháp trồng và chăm sóc rau. Sau khóa học, bà con được cấp chứng chỉ và chỉ những người có chứng chỉ mới được tham gia vào mô hình.
Rau hữu cơ ở HTX |
Mô hình rau hữu cơ trồng theo hình thức luân canh và xen canh, mùa nào trồng loại rau đấy. Quy trình kỹ thuật trồng rau hữu cơ khá khắt khe. Đất tập trung tối thiểu là 2.000m2 (đất bằng phẳng). Giống rau phải đảm bảo chất lượng do Trung tâm giống cây trồng của Tỉnh cung cấp. Đất được cày cuốc, san phẳng và lên luống. Phân bón thì chỉ dùng duy nhất là phân hữu cơ (phân chuồng ủ hoại mục từ 3-6 tháng) mà không sử dụng phân hóa học.
Không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng thuốc thảo dược do bà con tự chế như: tỏi, ớt, gừng, rượu ngâm từ 5-7 ngày rồi mang ra phun trên rau. Ngoài ra trên lối đi trồng các loại cây dẫn dụ (cúc vạn thọ, hoa bóng nước…) để thu hút các loại bướm, sâu đẻ trứng trên cây dẫn dụ, hạn chế côn trùng phá hoại rau.
Các thành viên tham gia trong nhóm thường bắt sâu bằng tay vào buổi tối, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Rau được sơ chế trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nước tưới rau thì chỉ sử dụng từ 2 nguồn là nước dẫn từ trên suối xuống hoặc nước giếng khoan. Tất cả các yếu tố đầu vào của quá trình trồng rau đều được kiểm tra, giám sát và các nhóm thanh tra chéo nhau để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Người dân mất nhiều công đầu tư là thế, vậy mà, giai đoạn ban đầu, sản phẩm khi đưa ra thị trường lại không bán được. Sản phẩm không bán được, không hoạt động quảng cáo, không tìm được đầu ra, nhiều người chán nản, có người từ bỏ ra khỏi nhóm. Nhưng được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo các cấp, mọi người cố gắng tiếp tục. Vừa làm vừa lo đầu ra, tìm cách để bán được rau. Qua nhiều người giới thiệu, nhóm biết đến Công ty CP đầu tư Tâm Đạt, Tràng An và Công ty Vinagap ở Hà Nội. Từ đó, 100% sản phẩm của nhóm được các công ty thu mua. Có đầu ra ổn định, được giá bán đã tạo khí thế cho bà con hăng hái, tích cực tham gia. Đó cũng là cơ sở để nhóm phát triển thành công mô hình HTX kiểu mới, hoạt động ngày càng nề nếp, quy củ, chặt chẽ hơn. Các thành viên luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trong công việc để tạo năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn.
Thu hoạch rau |
Trong năm 2015, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ Hợp tác xã rau hữu cơ Lương Sơn thực hiện mô hình kiểm soát chất lượng theo chuỗi sản phẩm; hỗ trợ Hợp tác xã tổ chức 03 lớp tập huấn phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho các tác nhân tham gia chuỗi; Hướng dẫn tại hiện trường, khắc phục các tồn tại trong quá trình sản xuất; Tư vấn xúc tiến xác lập hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; Mua hỗ trợ túi nilông đã dập nhãn nhận diện sản phẩm; Hỗ trợ In ấn tem nhãn nhận diện sản phẩm đã được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi;
Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cung cấp thiết bị quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; đầu tư hệ thống lưới che chắn cây trồng tránh rủi ro về thời tiết, tư vấn thiết lập mô hình quản lý chất lượng sản phẩm hữu cơ, thông tin tuyên truyền quảng bá hình ảnh về HTX và các sản phẩm kinh doanh của HTX.
Với mô hình HTX nông sản kiểu mới đầu tiên trên cả nước, mô hình trồng rau hữu cơ của HTX xóm Mòng (Lương Sơn) đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao (thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng), giúp xã viên ổn định đời sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm rau an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khoẻ.