Huyền bí 2 pho tượng Hộ pháp là Bảo vật quốc gia ở chùa Nhạn Sơn

14/01/2022 11:10

Chùa Nhạn Sơn (thôn Nhạn Tháp Nam, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đang thờ 2 pho tượng Hộ pháp là Bảo vật quốc gia, trong đó một ông sơn đen, một ông sơn đỏ.

Tương truyền, hai pho tượng này được vua Chiêm Thành sai thợ tạc hình đôi bạn thân Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền. Ngày nay, hai pho tượng Chăm này đã được Việt hóa cho giống người Việt.

Chùa Nhạn Sơn tọa lạc trong một không gian thanh bình với cảnh trí thơ mộng, nép dưới bóng vườn xoài cổ thụ, lưng dựa vào núi Long Cốt. Hiện không có tài liệu chính xác nào cho biết về thời điểm lập chùa, chỉ biết rằng ban đầu đây chỉ là ngôi chùa làng để thờ hai pho tượng cổ bằng đá, một ông sơn đen, một ông sơn đỏ.

Huyền bí hai pho tượng Hộ pháp là Bảo vật quốc gia  - Ảnh 1.

Chùa Nhạn Sơn nằm nép dưới bóng vườn xoài cổ thụ

Lúc mới dựng lên, chùa có tên là Thạch Công tự, tức chùa thờ ông đá. Về sau, chùa đổi tên thành Song Nghĩa tự, tức chùa thờ hai người trung nghĩa. Mãi đến thế kỷ XVI, khi về trụ trì, hòa thượng Thích Chí Mẫn mới cho trùng tu lại chùa và đặt tên là Nhạn Sơn linh tự.

Là ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng ở Bình Định, chùa Nhạn Sơn được nhắc đến trong nhiều bộ sử sách. Chẳng hạn, sách "Đại Nam nhất thống chí" chép: "Tục gọi là chùa Ông Đá ở thôn Nhạn Tháp, huyện Tuy Viễn, về phía Nam thành Chà Bàn (tức thành Đồ Bàn). Trong chùa có hai tượng đá, đứng hai bên nhìn nhau trên viên đá vàng, mình cao hơn 6 thước, lưng rộng hơn 5 thước, một pho sơn son (màu đỏ), một pho sơn then (màu đen)…".

Theo hòa thượng Thích Thị Hoàng - trụ trì chùa Nhạn Sơn, tương truyền rằng, hai pho tượng trong chùa là tượng của đôi bạn thân Huỳnh Tấn Công (quê tỉnh Quảng Nam) và Lý Xuân Điền (quê tỉnh Quảng Bình). Ông Công là con một nhà nho nghèo trên đường ra kinh đô Thăng Long thi, khi đến Quảng Bình thì bị bệnh ngất xỉu nên được thân sinh của ông Điền, là một đại điền chủ đưa về chữa trị. Sau này, cả hai ông Công và ông Điền cùng đi thi, ông Công đỗ quan văn, còn ông Điền đỗ quan võ. Cả hai đều là những bậc anh tài được vua nhà Trần trọng dụng.

Đang lúc loạn lạc, giặc Tàu đe dọa phương Bắc, quân Chămpa uy hiếp phía Nam, vua Trần cử mỗi người cầm quân đi đánh dẹp một phương. Ông Công được cử đi đánh Chămpa nhưng chẳng may bị bắt làm tù binh rồi trở thành gia nô cho một viên đại thần trong vương quốc Chămpa. Tuy nhiên, nhờ có tài xem mạch, bốc thuốc, có lần ông Công đã chữa cho vua Chămpa khỏi một căn bệnh hiểm nghèo. Từ đó, ông được sủng ái hết mực.

2 pho tượng Hộ pháp là Bảo vật quốc gia ở chùa Nhạn Sơn - Ảnh 2.

Người dân đến chùa Nhạn Sơn lễ Phật, cầu mong mọi sự tốt lành

Trong khi đó, sau khi dẹp xong giặc Tàu quay trở về, biết ông Công đang lưu lạc nơi đất Chămpa nên ông Điền quyết chí đi tìm bạn. Đôi bạn thân gặp nhau nhưng lại gặp lúc Xiêm La (Thái Lan ngày nay) đem quân xâm lấn biên giới vương quốc Chămpa, hai ông xin cầm quân đánh giặc. Và, dù đánh đuổi được giặc nhưng ông Điền lại bị quân Xiêm La bắt. Một thời gian sau, hoàng tử Xiêm La cầu hôn em gái ông Công nên ông yêu cầu dùng ông Điền làm lễ vật cầu hôn.

"Sau đó, hai người bạn thân gặp nhau ở vương quốc Chămpa, rồi cùng trở về nước Việt. Hai ông ra về được ít lâu, vì thương nhớ, vua Chămpa đã sai thợ tạc hai pho tượng để hằng ngày được ngắm nhìn cho thỏa nỗi nhớ mong, cũng là để tỏ lòng cảm mến, biết ơn và lưu truyền hậu thế. Tượng ông Công sơn màu đỏ, tượng ông Điền sơn màu đen, mỗi pho tượng cao khoảng 2,8m tạc từ đá sa thạch nguyên khối. Ông Công làm quan văn nên tay cầm cây giản (cây lịnh), có nghĩa là ra vào trong triều không ai gạn hỏi. Ông Điền cầm cây kiếm lệnh, tức là làm quan võ, được quyền tiền trảm hậu tấu. Điều này chứng tỏ hai ông rất có uy tín, được vua Chămpa tin cẩn", hòa thượng Thích Thị Hoàng cho biết.

Huyền bí hai pho tượng Hộ pháp là Bảo vật quốc gia  - Ảnh 3.

Tượng ông Lý Xuân Điền sơn màu đen

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiến tranh, hai pho tượng đá bị vùi lấp. Sau này, người Việt khai hoang cày cuốc phát hiện nên lập chùa thờ phụng. Pho tượng sơn màu đỏ có tay phải đưa ra vừa tầm ngang với ngực rất tự nhiên; hai cổ tay đều đeo vòng tràng hạt; hai cổ chân cũng đeo vòng tròn nhưng khác nhau, vòng tròn chân phải là hình một con rắn, vòng tròn chân trái phía trước chạm nổi lá đề. Pho tượng sơn màu đen có cổ tay đeo tràng hạt; hai cổ chân chống hai con rắn. Cả hai pho tượng đều có miệng lớn, mũi bành rộng, ngực hơi ưỡn ra phía trước. Hiện nay, hai pho tượng đã được Việt hóa, bằng cách mặc áo đại bào, đầu đội mũ đằng cho giống với các tượng thần trong chùa Việt.

Năm 1977, các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ ở Hà Nội vào nghiên cứu hoa văn ở thắt lưng hai pho tượng, xác định đây là hai pho tượng Dvarapalla (tượng môn thần, tức thần giữ cửa) có vào thế kỷ XIII. Năm 2011, chùa Nhạn Sơn được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật, là nơi lưu giữ hai pho tượng Dvarapalla - tác phẩm điêu khắc Chămpa thế kỷ XIII. Năm 2020, hai pho tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Ngày nay, nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương cứ rằm, mùng một, các dịp lễ, Tết lại tìm đến chùa lễ Phật, cầu xin mọi sự tốt lành. Họ truyền nhau những câu thơ viết về ngôi chùa này: "Chùa xưa ẩn bóng xoài xanh/ Thờ hai tượng đá Chiêm Thành bấy nay/ Cõi trần không - sắc, sắc - không/ Hồi chuông triêu mộ gọi lòng từ bi".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.