Chỉ 35% SGK tái sử dụng được
Thông tin giám sát của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cùng với việc khẳng định mức chiết khấu cao trong bán SGK của NXB Giáo dục Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra rằng, giá bán SGK tuy ổn định nhưng trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, thay mới hằng năm, gây lãng phí phân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội.
Cơ quan này dẫn chứng, do phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần dẫn đến việc SGK thay mới với số lượng lớn hàng năm (NXB in, phát hành khoảng 100 triệu bản, doanh thu gần 1.000 tỷ đồng/năm).
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là việc biên soạn, thiết kế SGK chưa hợp lý, đã đưa các dạng/mẫu bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với các "câu lệnh" để học sinh điền/viết vào chỗ trống, lựa chọn đúng sai, nối, khoanh vẽ đánh dấu, tô màu… vào hầu hết SGK.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu rõ, số lượng SGK đã in, phát hành giai đoạn 2012-2017 là rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2017 là 107.807.120 bản sách trên tổng sản lượng 312.000.000 bản in xuất bản phẩm cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu "Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục" thì lên tới 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.
Theo Bộ GD&ĐT, khi biên soạn sách, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm, hệ thống bài tập trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi nhằm rèn luyện tư duy.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh có ý thức giữ gìn để sử dụng sách giáo khoa được lâu bền, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.
Bộ GD&ĐT ra chỉ thị không… viết, vẽ vào SGK
Trước phản ánh về sự lãng phí SGK khi chỉ sử dụng một lần gây lãng phí, lại kèm nhiều sách tham khảo gây tốn kém, ngày 24/9, Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký, ban hành Chỉ thị số 3798 về việc sử dụng SGK, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003.
Khi biên soạn sách, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm, xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu hướng chung của các nước trên thế giới. Hiện trong nhiều cuốn sách giáo khoa có dạng bài tập trắc nghiệm, học sinh đã viết, làm luôn vào sách.
Để học sinh không viết vào SGK , Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên hướng dẫn, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng giáo dục, cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương chỉ đạo giáo viên, quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK để dụng lâu bền; không viết, vẽ vào SGK.
Một giải pháp giảm thiểu lãng phí SGK, được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra là đề nghị Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo, nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách; báo cáo Bộ GDĐT về kết quả rà soát trước khi tái bản.
Đối với vấn đề sách tham khảo, Bộ trưởng yêu cầu Sở GD&ĐT các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT về quản lý sử dụng xuất bản phẩm tham khảo khiến cho học sinh phải mua quá nhiều sách tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí. Nếu cá nhân, cơ sở nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Chỉ thị "nóng" về yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không viết, vẽ lên SGK, xem ra chưa phải là giải pháp gốc rễ mà chỉ là tạm thời. Thậm chí, văn bản này đang khiến không ít phụ huynh tỏ ra hoang mang, gây nhiều ý kiến trái chiều bởi họ cho rằng, đây không phải là cách để tiết kiệm chi phí sách.
Thậm chí, nhiều phụ huynh chia sẻ, bản thân họ cảm thấy phù hợp với một số dạng SGK mà con mình được phép điền câu trả lời vào sách vì tăng độ tương tác, có hệ thống. Làm bài tập luôn trong sách, đôi khi còn không tốn kém bằng việc mua thêm vở bài tập, hoặc sử dụng bài tập trên giấy photocopy
Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.