Kẻ trộm đi tù, chủ nhà cũng vướng vòng lao lý vì thiếu hiểu biết pháp luật

23/06/2021 21:37

Mặc dù đã mang số tiền trộm được đem đến trả lại cho khổ chủ nhưng một cán bộ thôn ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) vẫn không thoát tội. Không những thế, chủ nhà cũng bị liên đới vì không tố giác tội phạm.

Bí thư trộm tiền của hàng xóm

Sự việc trên xảy ra tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) khiến dư luận địa phương xôn xao. Vụ án khiến cả kẻ trộm lẫn khổ chủ đều vướng vào vòng lao lý. Đây cũng là bài học sâu sắc cho người dân địa phương.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 8h30 ngày 31/5/2019, trong lúc vợ chồng anh Hùng Thanh Bình (SN 1981), chị Thào Thị Mai (SN 1979, thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) đi bán hàng tại chợ phiên, không có ai ở nhà. Thấy vậy, Sùng Mí Nô (tên gọi khác Sùng Pà Nô, SN 1986, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lũng Hòa B) lẻn vào nhà anh Bình trộm cắp số tiền và ngoại tệ của vợ chồng anh, tổng giá trị tương đương 303 triệu đồng.

Khoảng 12h cùng ngày, chị Thào Thị Mai về nhà trước và phát hiện trong buồng có dấu hiệu bị lục lọi đồ vật, kiểm tra thì thấy tiền của gia đình đã bị mất nên đã gọi chồng về nhà.

Khi về nhà, anh Bình kiểm tra camera an ninh của gia đình nhưng không được nên đã nhờ Sùng Mí Nô đến kiểm tra giúp (2 gia đình vốn có quan hệ thân thiết), đồng thời trình báo sự việc với công an xã. Tuy nhiên, đến kiểm tra, Nô nói là không biết mở camera rồi bảo phải ra thành phố Hà Giang chở vật liệu xây dựng.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Sùng Mí Nô và Thào Thị Mai

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Sùng Mí Nô và Thào Thị Mai

Khoảng 13h cùng ngày, Nô đang đi chở vật liệu xây dựng thuê thì nhận được điện thoại của chị Mai nói về việc gia đình bị mất trộm tiền, hiện công an huyện đang lấy lời khai của chị.

Lúc này Nô nói với chị Mai là tiền đang ở chỗ Nô, không phải sợ. Chị Mai nói: "Nô lấy tiền ở đâu thì tự đem trả vị trí cũ, Mai không có thời gian". Nô tắt điện thoại rồi đi về nhà.

Đến khoảng 19h30 cùng ngày, Nô cầm số tiền trèo qua tường rào để tại bàn bếp gas trong bếp gia đình anh Bình rồi đi về nhà (lúc này vợ chồng anh Bình đang ăn cơm tại nhà mẹ).

Khoảng 20h cùng ngày, chị Mai đi về nhà trước thì thấy túi nilon để trong bàn bếp gas, kiểm tra bên trong thấy số tiền của gia đình bị mất, chị Mai sau đó đã nói lại với chồng và anh Bình đã báo cáo lại cho công an huyện.

Ngày 2/6, Công an huyện Đồng Văn đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong số tiền trên để phục vụ điều tra. Đến ngày 25/6/2019, Sùng Mí Nô đến cơ quan Công an huyện Đồng Văn đầu thú và khai báo toàn bộ hành vi trộm cắp của mình.

Ngày 28/6/2019, Công an huyện Đồng Văn ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam với Nô về hành vi "Trộm cắp tài sản". Đồng thời, cho rằng chị Mai dù biết Nô đã lấy trộm số tiền của gia đình, nhưng không tố giác sự việc đến cơ quan có thẩm quyền; đã gây khó khăn, cản trở cho việc phát hiện, điều tra, bắt giữ xử lý người phạm tội nên đã khởi tố, truy tố chị Mai về tội "Không tố giác tội phạm".

Tháng 9/2020, TAND huyện Đồng Văn đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Sùng Mí Nô 36 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản", Thào Thị Mai 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội "Không tố giác tội phạm".

Vì sao đã trả lại tiền lấy trộm nhưng vẫn bị xử lý?

Trong vụ án này, mặc dù Sùng Mí Nô đã trả lại nguyên vẹn số tiền đã trộm cắp cho gia đình anh Bình, tuy nhiên tội Trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015) là tội cấu thành về mặt hình thức. Nghĩa là Tội trộm cắp tài sản chưa cần phải gây ra hậu quả mà chỉ cần có hành vi là đã đủ để cấu thành tội phạm. Khác với cấu thành tội phạm hình thức, cấu thành tội phạm vật chất cần dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm, bao gồm: hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Điều 173: Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".

Do đó, mặc dù Nô đã mang trả lại khổ chủ toàn bộ số tiền mình đã trộm cắp, nhưng hành vi lén lút lấy tài sản của vợ chồng chị Mai trước đó của Nô đã đủ cấu thành tội Trộm cắp tài sản.

Lý do chị Mai bị kẻ trộm lấy tiền nhưng vẫn bị khởi tố?

Còn hành vi của chị Mai, vì sao chị Mai mất trộm tiền mà vẫn bị khởi tố? Bởi cơ quan điều tra xác định chị Mai có dấu hiệu không tố giác tội phạm. Chị Mai biết Nô trộm tiền của gia đình nhưng lại không báo với cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, theo quy định của pháp luật tại Điều 390, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội Không tố giác tội phạm, chị Mai đã có hành vi không tố giác hành vi phạm tội của Nô với cơ quan công an.

Điều 390. Tội không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.

Theo quy định pháp luật hình sự, tố giác tội phạm được xem xét như một nghĩa vụ bắt buộc của công dân nhằm mục đích phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm. Người biết được hành vi phạm tội của người khác nhưng không tố giác họ với cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Vai trò của việc tố giác tội phạm rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, góp phần giải quyết vụ án bảo đảm tính khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn