Khắc phục hậu quả mưa lũ, không để người dân bị đói khát

04/08/2018 - 21:08
Ngày 4/8, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc khẩn trương chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Các địa phương tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát. 

Đồng thời, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước trên thượng lưu sông Lô trong trường hợp phía Trung Quốc vận hành các hồ chứa, để kịp thời cảnh báo đến người dân chủ động phòng tránh. 

"Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét sẽ tiếp tục xảy ra tại Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, vì vậy đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất để chủ động sơ tán, di dời dân cư, đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm, tràn", ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh. 

Cùng với đó, tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ trên lưu vực hệ thống sông Bùi, sông Hoàng Long để thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân nhằm chủ động các biện pháp phòng tránh; chỉ đạo kiểm tra và sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt đối với các công trình đê điều trọng điểm xung yếu, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công hoặc công trình đang xử lý, khắc phục sự cố.

ttxvn_lai_chau_1.jpg
Lực lượng chức năng, Bộ đội Biên phòng, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 đang khẩn trương tìm kiếm người bị mất tích do sạt lở tại xã Vàng Ma Chải, Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
 

Các đơn vị, địa phương tiếp tục vận hành các cống, trạm bơm tiêu để đảm bảo kịp thời tiêu nước, nhất là khu vực thấp, trũng, khu dân cư tập trung thường xuyên bị ngập úng; thực hiện việc chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”; chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm…, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ, ngập úng; phòng chống lũ theo cấp báo động. Song song đó, cần duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiến hành vệ sinh môi trường phòng tránh dịch bệnh lây lan tại những khu vực nước rút; theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở bờ sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình để kịp thời di dân, sơ tán đảm bảo an toàn về người và tài sản; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, tính đến 6 giờ ngày 4/8, đã có 13 người chết, mất tích và bị thương do sạt lở đất và sập nhà tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Cụ thể, 6 người chết gồm: bà Lý Thị Trà (64 tuổi), chị Phàn Lở Mầy (30 tuổi), anh Lý Lao Tả (17 tuổi), anh Lý Lao Tả (17 tuổi), cháu Lý Lao Sản (15 tuổi), cháu Lý Láo Lở (15 tuổi); 5 người mất tích (chưa xác định danh tính); 2 người bị thương. 

Ngoài ra, tỉnh Lai Châu có 7 nhà bị sập hoàn toàn, 2 nhà bị thiệt hại khoảng 50% và tỉnh Cao Bằng có 36 nhà bị ngập nước; 275,5 ha lúa bị ngập úng, trong đó Lai Châu có 20,5 ha, Cao Bằng 255 ha. 

Tại Cao Bằng cũng có 25 ha đất nông nghiệp bị xói trôi, bồi lấp không khôi phục được; 91 con gia súc và 18.775 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 8,35 ha nuôi thủy sản bị cuốn trôi. 

Một số tuyến đường liên xã bị sạt lở với khối lượng sạt lở hơn 50 m3 đất đá, gây ách tắc giao thông tại huyện Phong Thổ (Lai Châu). Riêng tỉnh Cao Bằng bị thiệt hại về một số công trình thủy lợi nhỏ, 2 công trình văn hóa và 2 điểm trường học do ngập lũ và bồi lấp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm