'Khai tử' bệnh viện truyền thống?

13/10/2015 - 13:06
Sự xuất hiện của dịch vụ xét nghiệm trực tuyến được coi là bước đột phá mạnh mẽ, giúp người bệnh thoát khỏi những “phiền phức” của phương thức xét nghiệm truyền thống.
Bước đột phá
Trong y tế, kết quả xét nghiệm (XN) được sử dụng như một dữ liệu quan trọng để xác định phác đồ điều trị. Tuy nhiên, ở Việt Nam lâu nay còn phổ biến hiện tượng bệnh viện nào chỉ công nhận kết quả XN do bệnh viện đó thực hiện, không công nhận kết quả của các bệnh viện hoặc phòng XN khác (ở TPHCM có một số bệnh viện công nhận và sử dụng kết quả của bệnh viện khác nhưng phải đi kèm với một số điều kiện). Rất nhiều bệnh nhân “than trời” vì chỉ riêng công đoạn XN đã “ngốn” của họ quá nhiều thời gian và tiền bạc.

 Bệnh nhân và người nhà phờ phạc sau quá trình "chầu chực" để được làm xét nghiệm

Tình hình ở nhiều nước khác, ngay cả các nước tiên tiến, cũng không khá gì hơn, nếu vẫn tiến hành việc XN theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, gần đây thì hãng XN lớn nhất Mỹ - LabCorp - đã giới thiệu một dịch vụ mới mang tính đột phá: Cho phép khách hàng thực hiện các dịch vụ xét nghiệm trực tuyến (XNTT) bằng cách tự đến các trung tâm XN để lấy máu, sau đó xem kết quả trên website. Trước đó, họ đã thực hiện dịch vụ này với nhiều hãng internet, cho phép khách đặt lịch XN mà không cần có sự tham gia của các bác sĩ. Như vậy, khách hàng hoàn toàn được chủ động lựa chọn thời gian, địa điểm XN theo nhu cầu của mình.
Chính vì sự đột phá mang tính cách mạng này mà dịch vụ XNTT và lấy kết quả nhanh đang là mảng tăng trưởng nhanh của thị trường chăm sóc y tế Mỹ hiện tại. Trong thời gian tới, có thể loại hình này sẽ nhanh chóng phát triển sang các quốc gia khác.
 
Tương lai của ngành điều trị trực tuyến?
Cho đến giờ, LabCorp không còn là đơn vị độc quyền dịch vụ XNTT nữa. Bên cạnh họ đã có những cái tên mới - những đối thủ đáng gờm như WellnessFX và Direct Laboratory Services - có khả năng đáp ứng nhu cầu của các bệnh nhân muốn có kết quả riêng tư hoặc muốn tự quản lý sức khỏe của mình mà không cần đến bác sĩ truyền thống. Trong khi đó, thế mạnh nổi bật của LabCorp là hướng đến đối tượng muốn theo dõi tác động của các bài tập và thói quen sinh hoạt lên cơ thể, hoặc để biết về các bệnh tật tiềm ẩn.
“Chúng tôi muốn lấy lại lĩnh vực này cho riêng mình. Đây là cơ hội tăng trưởng cho chúng tôi”, CEO LabCorp - David King cho biết. Nhờ bước đi táo bạo này, cổ phiếu LabCorp đã tăng 23% trong năm 2014, sau khi hãng đạt được thỏa thuận mua lại hãng sản xuất thuốc Covance với giá 6,1 tỷ USD, nhằm đa dạng hóa các dịch vụ của mình, ngoài lĩnh vực XN máu như từ trước tới giờ. Thật ra, ý tưởng về phương thức XN mang tính linh hoạt, không cần đến trung tâm dịch vụ, đã có từ khá lâu, có thể là hơn 10 năm trước. Tài liệu y học Mỹ còn ghi nhận vào năm 2003, Startup Theranos, một dự án khởi nghiệp, đã phát triển một gói XN tại một số hiệu thuốc của Walgreens để có thể cung cấp hàng loạt kết quả, từ cholesterol đến HIV chỉ với vài giọt máu. Tuy nhiên, một khi được sự “chắp cánh” của công nghệ thông tin, cho phép khách hàng làm việc trực tuyến với nhà cung cấp dịch vụ, LabCorp nhanh chóng khẳng định được ưu thế cả trong giới chuyên môn lẫn thị trường.
Mặc dù vậy, cũng chính sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ mà những dịch vụ trực tuyến như sản phẩm của LabCorp cũng gặp phải rất nhiều đối thủ cạnh tranh “ảo”, mà các thiết bị như FitBit và Apple Watch là những ví dụ điển hình. Với các thiết bị này, người dùng hoàn toàn có thể thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình. Để cạnh tranh được với các “trung tâm xét nghiệm - chẩn đoán” siêu linh hoạt này, con đường tốt nhất của một hãng địa điểm thực hiện XN chuyên nghiệp như LabCorp là phải không ngừng đa dạng hóa các dịch vụ và đảm bảo tính chính xác cao độ trong các kết quả XN.
Bên cạnh đó, giá cả các gói địa điểm thực hiện XN cũng là một vấn đề. Được biết, rất nhiều dịch vụ có giá không hề rẻ. WellnessFX lấy 998 USD cho gói kiểm tra toàn diện nhất. DirectLabs lại có các loại XN thường gặp hơn, như gói 29 USD với hoạt động trao đổi chất hay 49 USD cho phương pháp PSA (đo mức kháng nguyên đặc hiệu với tuyến tiền liệt), được quảng cáo dùng trong phát hiện ung thư. Hạ thấp chi phí xuống mức hợp lý là điều mà các hãng XN cần nghiên cứu thực hiện ngay từ bây giờ đối với dịch vụ XNTT.

 Dịch vụ xét nghiệm trực tuyến (XNTT) cho phép bệnh nhân tự đến các trung tâm XN để lấy máu, sau đó xem kết quả trên website. 

Nhu cầu làm chủ sức khỏe thông qua các dịch vụ XN tiện dụng và linh hoạt đang tăng cao. Theo dự đoán của một số chuyên gia công nghệ, trong tương lai gần, có thể mọi chuyện không chỉ dừng lại ở dịch vụ XNTT mà còn có thể mở ra cả một ngành điều trị trực tuyến, với sự tham gia đắc lực hơn của công nghệ thông tin. Rất có thể, đó chính là lời cảnh báo về sự tồn vong đối với loại hình bệnh viện truyền thống?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm