Ngoài những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như Tam Cốc, Tràng An, Hoa Lư, Vân Long..., Ninh Bình còn có một ngôi chùa cổ nằm trong núi đá được mệnh danh là "Nam thiên đệ tam động".

Khám phá cây sáo khổng lồ của tạo hóa

Ngoài những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như Tam Cốc, Tràng An, Hoa Lư, Vân Long…, Ninh Bình còn có một ngôi chùa cổ nằm trong núi đá được mệnh danh là "Nam thiên đệ tam động".

Với vẻ đẹp cổ kính, hang động đẹp và khung cảnh thiên nhiên thanh bình, chùa và động Địch Lộng nằm sâu trong hang động thuộc núi đá ở địa phận xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15km về phía Bắc. Trước kia, nơi đây là rừng rậm, cách đó không xa là dòng sông Đáy ngăn cách giữa hai tỉnh Ninh Bình và Hà Nam.

Nếu như Hương Tích từng được phong tặng là "Nam thiên đệ nhất động", Bích Động là "Nam thiên đệ nhị động" thì Địch Lộng đã được vua Minh Mạng ban tặng "Nam thiên đệ tam động", có nghĩa động đẹp thứ ba ở trời Nam.

Khám phá cây sáo khổng lồ của tạo hoá - Ảnh 1.

Đường lên hang Địch Lộng du khách phải đi qua 108 bậc thang núi được ví như 108 bước thử thách của nhà Phật để trở thành chính quả

Chùa Địch Lộng được xây dựng vào năm 1740, ban đầu lấy tên Nham Sơn động Cổ Am tự (chùa Cổ Am ở động Nham Sơn), sau này đổi thành tên chùa Địch Lộng, có nghĩa là "sáo núi". Bởi, đứng trong hang núi có thể nghe tiếng gió thổi, đập vào vách đá trong hang tạo nên những âm thanh rất trong trẻo, thú vị, tựa như tiếng sáo vi vu.

Khám phá cây sáo khổng lồ của tạo hoá - Ảnh 2.

Cửa vòm Hang Sáng cao 50m, là nơi có ban thờ Phật, cũng là nơi đón gió để tạo nên những âm thanh “sáo núi”

Mỗi không gian của vách động, trần động là một bức tranh nghệ thuật, với những đường nét uốn lượn của nhũ đá, những hình thù sống động được hình thành qua thời gian… Sự kỳ diệu của chùa Địch Lộng chính là ở vẻ đẹp của các khối nhũ đá lấp lánh sắc màu và những giọt nước tí tách chảy quanh năm. Chính những giọt nước này đã tạo nên hình dáng và mầu sắc lấp lánh của các nhũ đá, các khối nhũ đá với trăm vạn hình thù mang đến cho du khách trí tưởng tượng phong phú.

Khám phá cây sáo khổng lồ của tạo hoá - Ảnh 3.

Những âm thanh tí tách của nước từ trần hang rơi xuống kết hợp với tiếng gió thổi trong hang đã tạo nên những âm thanh như tiếng sáo thổi khiến bao bậc tao nhân mặc khách tức cảnh sinh tình đề thơ ca ngợi vè đẹp của chùa Địch Lộng

Chùa trong hang Địch Lộng gồm hai khu vực: Hang Sáng và Hang Tối. Theo sự chỉ dẫn của người quản lý di tích, chúng tôi men theo Hang Sáng và được chiêm ngưỡng những hình tượng Phật, voi quỳ, ngựa phục… do nhũ đá tạo thành. Đặc biệt, ở đây còn có "cổng trời" cao khoảng 50m, gió luôn thốc nhẹ vào hang nghe vi vu như tiếng sáo thổi.

Đi hết Hang Sáng là đến Hang Tối, chúng tôi phải dùng đèn pin để quan sát. Nhũ đá ở đây muôn hình muôn vẻ như hình voi uống nước chum, hùm uống nước vại, khỉ cõng con, bà lão bán thuốc, cây tiền, cây vàng, cây bạc… gợi nên cảm giác huyền ảo, nửa hư nửa thực. Khi thử gõ vào vách hang, ghé sát tai sẽ nghe thấy những âm thanh như tiếng chuông, tiếng đàn lảnh lót...

Khám phá cây sáo khổng lồ của tạo hoá - Ảnh 4.

Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt uy nghi nổi tiếng linh thiêng trong vùng

Trong Hang Tối còn có những bài thơ của các vua chúa và các bậc tiền nhân từng du ngoạn qua đây như Nhà sử học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) với bài thơ Vô đề, Bùi Văn Quế với Danh sơn đề bạt, Phạm Văn Nghị với bài ký Núi Địch Lộng…

Hang Địch Lộng có những âm thanh kỳ thú bốn mùa khác nhau. Vào mùa Xuân cây cỏ tốt tươi, gió luồn qua những lớp cây dương xỉ ập vào vách đá rồi luồn qua những vòm hang tạo nên nhưng tiếng sáo trầm hùng. 

Vào mùa Hè, gió từ hướng Đông luồn qua những khe núi đập vào hang đá Địch Lộng rồi tản ra các vòm hang nghe như tiếng sáo du dương của buổi chiều đồng quê. 

Hay như mùa Thu, tiếng gió kết hợp với những âm thanh tí tách của nước rớt từ vòm hang xuống nghe như một bản hòa tấu. 

Và đặc biệt thú vị khi nghe "sáo núi" Địch Lộng vào mùa Đông. Dư vị lạnh thấu da thấu thịt lại được cộng hưởng với những âm thanh gió rít mạnh đập dồn dập vào vách hang sẽ tạo cho du khách cảm giác hoang vắng, tĩnh mịch như đi trên con đường đến cõi Phật.

Khám phá cây sáo khổng lồ của tạo hoá - Ảnh 5.

Chùa trong hang Địch Lộng là nơi sinh hoạt tâm linh của nhân dân vùng Gia Viễn

Nhũ đá hình đài sen, hình ngựa quỳ và thạch thiên trụ trong Hang Tối

Khám phá cây sáo khổng lồ của tạo hoá - Ảnh 7.

Thảo Nguyên
30/03/2023 11:02