Khám phá vẻ đẹp ngàn năm của thành, tháp cổ bên bờ sông Côn

12/05/2022 08:14
Cụm tháp Bánh Ít nằm bên bờ sông Côn

Cụm tháp Bánh Ít nằm bên bờ sông Côn

Dọc theo dòng sông Côn (tỉnh Bình Định) là một hệ thống gồm nhiều thành và tháp cổ xây dựng nguy nga tráng lệ. Nét cổ kính của những thành và tháp ấy bao năm qua đã hấp dẫn, lôi cuốn không ít lữ khách đam mê khám phá vẻ đẹp từ giá trị ngàn năm.

Theo sách "Đại Nam nhất thống chí" và "Đồ Bàn thành ký", vùng đất Bình Định xưa có tổng cộng 4 thành cổ, nhưng thực tế hiện tại chỉ còn 3 thành lưu lại dấu tích. Cả 3 thành này đều phân bố dọc theo lưu vực sông Côn. Đó là thành Chas, thành Đồ Bàn và thành Thị Nại. Sự có mặt của 3 thành cổ đã phần nào nói lên tầm quan trọng của vùng đất Bình Định dưới thời vương quốc Chămpa, đặc biệt là thành Đồ Bàn ở thị xã An Nhơn ngày nay.

Thành Đồ Bàn được xây dựng năm 982 dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya. Thành này được các sử gia gọi đúng chức năng của nó là kinh đô Vijaya. Đây cũng là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa, các vua Chăm đã đóng đô ở đây đến thế kỷ XV. Từ khi xây dựng, kinh đô bên dòng sông Côn có đất đai trù phú, đời sống phồn thịnh, dệt vải, điêu khắc phát triển và mang đậm dấu ấn Chăm.

Khám phá vẻ đẹp ngàn năm của thành, tháp cổ bên bờ sông Côn - Ảnh 1.

Cổng thành Hoàng Đế

Theo dòng lịch sử, sau hơn 3 thế kỷ bỏ hoang, đến cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn đã xây dựng thành mới trên nền cũ thành Đồ Bàn để làm kinh đô, lấy tên là thành Hoàng Đế. Năm 1799, quân chúa Nguyễn Ánh tái chiếm thành Hoàng Đế và đổi tên là thành Bình Định. Đến năm 1816, vua Gia Long cho phá bỏ thành Bình Định và chuyển thủ phủ về Quy Nhơn.

Qua những biến đổi thăng trầm, di tích Đồ Bàn hiện nay chỉ còn sót lại lớp tường lũy bằng đá ong không lành lặn, một thửa giếng vuông, tượng voi đá và bên cửa hậu là gò Thập Tháp. Qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số di tích quan trọng trong khu vực thành Hoàng Đế như: hồ bán nguyệt, hồ trái tim…

Khám phá vẻ đẹp ngàn năm của thành, tháp cổ bên bờ sông Côn - Ảnh 2.

Hồ bán nguyệt được khai quật ở thành Hoàng Đế

Trên vùng đất Bình Định xưa, người Chămpa đã xây dựng những tháp độc đáo. Những tháp Chăm còn lại hôm nay là những viên ngọc quý của nền kiến trúc cổ Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á.

Khi đi qua đoạn cầu Bà Di nằm trên quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Tuy Phước, du khách sẽ thấy những tháp cao trên đỉnh đồi in nền trên nhánh sông Côn, đó chính là cụm tháp Bánh Ít, gồm 4 tháp: tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Bia và tháp Chính. Cụm tháp được xây bằng gạch nung, không có chất kết dính nhưng qua ngàn năm tồn tại, từ hình khối đồ sộ của tháp đến các chi tiết điêu khắc hoa văn, nét chạm trổ trên nền gạch nung vẫn còn nguyên vẹn như thử thách với thời gian.

Khám phá vẻ đẹp ngàn năm của thành, tháp cổ bên bờ sông Côn - Ảnh 3.

Cụm tháp Dương Long

Từ tháp Bánh Ít, tiếp tục theo hành trình uốn lượn của dòng sông Côn ngược lên thượng nguồn sẽ gặp cụm tháp Dương Long ở thị xã An Nhơn. Đây là một quần thể 3 tháp nằm gần nhau, thẳng theo trục Bắc - Nam, các cửa chính đều quay về hướng Đông. Cụm tháp này lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được thể hiện trên đá sa thạch, với những đường nét cực kỳ sắc sảo, điêu luyện.

Cách cụm tháp Dương Long chừng 5km là tháp Cánh Tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, dưới thời vua Chế Mân. Tương truyền, đây là tháp vua Chế Mân dành tặng hoàng hậu Paramecvari, tức Huyền Trân công chúa. Đó là người con gái Việt cao quý đã đặt quyền lợi dân tộc mình lên trên hết, cùng vua Chế Mân kết mối lương duyên lịch sử.

Sông Côn là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, bắt nguồn từ miền núi phía Tây huyện An Lão, có độ cao từ 600 - 700m. Từ thượng nguồn, sông Côn chảy qua các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, thị xã An Nhơn, đến hạ nguồn là huyện Tuy Phước rồi đổ ra biển. Chiều dài của sông Côn là 171km.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.