Dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống đảo lộn, nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Nhưng giữa gian nan, tình người lại càng lan tỏa. Thời gian qua, hàng ngàn tình nguyện viên không phân biệt công việc, tuổi tác, tôn giáo đã xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại TPHCM, góp phần cùng thành phố không chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Khi các tu sĩ và chư tăng, ni xông pha vào tuyến đầu chống dịch


Dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống đảo lộn, nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Nhưng giữa gian nan, tình người lại càng lan tỏa. Thời gian qua, hàng ngàn tình nguyện viên (TNV) không phân biệt công việc, tuổi tác, tôn giáo đã xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại TPHCM, góp phần cùng thành phố không chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Như những đóa sen thơm

Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống "Tốt đời đẹp đạo", thời gian qua, các tôn giáo tại TPHCM đã tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân từng bước khống chế, nhằm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trong đó, phải kể đến việc hàng trăm tu sĩ Công giáo; chư tăng, ni Phật giáo không ngại gian khó, nguy hiểm trực tiếp tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện điều trị Covid-19.

Khi các tu sĩ tôn giáo xông pha vào tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM làm lễ xuất quân cho các TNV tôn giáo tham gia chống dịch đợt 4

Mới đây, ngày 20/8, tại chùa Việt Nam Quốc Tự (244 đường 3/2) và Khách sạn Minh Tâm (602 đường 3/2 Quận 10), Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Ban Tôn giáo TPHCM, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM và Tổng Giáo phận TPHCM đã phối hợp tổ chức lễ xuất quân đợt 4 cho 115 TNV các tôn giáo tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Trong đó, TNV Phật giáo có 23 vị gồm 2 vị tăng trẻ và 21 phật tử tham gia việc hỗ trợ tại Bệnh viện Dã chiến Thu dung điều trị Covid - 19 số 10 và 92 TNV Công giáo.

"Thầy đã đọc kỹ tài liệu tập huấn và chuẩn bị tinh thần trong 2 tháng qua và các TNV đều đã được tiêm đủ 2 liều vaccine và hôm nay chính thức lên đường làm nhiệm vụ. Chúng tôi sẽ đi tình nguyện theo đúng tinh thần từ bi, dấn thân", thầy Giác Minh -  một TNV tham gia chống dịch đợt 4 cho hay.

Khi các tu sĩ tôn giáo xông pha vào tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên Phật giáo tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại lễ xuất quân đợt 4

Tính đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã giới thiệu 500 TNV là các tu sĩ tôn giáo tham gia phục vụ tại Bệnh viện hồi sức chuyên sâu Covid-19, Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid- 19 số 10, 12, 16 và Bệnh viện nhân dân Gia Định, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1.

Khi các tu sĩ tôn giáo xông pha vào tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM động viên các TNV tại lễ xuất quân lần thứ 4

Phát biểu động viên các TNV tôn giáo tại lễ xuất quân lần thứ 4, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết: "Hôm nay là đợt thứ tư TNV các tôn giáo xuất phát tham gia tình nguyện chăm sóc bệnh nhân Covid ở tuyến đầu phòng chống dịch. Thời gian qua, TPHCM đã đón nhận nhiều chia sẻ của các tỉnh, thành, đặc biệt là tình nguyện viên các tôn giáo đăng ký tham gia tuyến đầu phòng chống dịch. Chúng tôi ghi nhận và trân trọng cảm ơn tấm lòng của các tu sĩ, chức sắc các tôn giáo và các tình nguyện viên đã không ngại nguy hiểm, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19. Sự xông pha cao quý của TNV giúp giảm tải cho y, bác sĩ tuyến đầu, giúp bệnh nhân Covid-19 vượt qua cơn bạo bệnh. Cầu chúc tất cả các TNV nhiều sức khỏe để đóng góp cho thành phố mau chóng vượt qua khó khăn".

Lãnh đạo TPHCM trao tặng cho mỗi TNV một phần quà gồm phương tiện phòng hộ và một số vật dụng sinh hoạt cá nhân

Thay mặt các TNV Công giáo, Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết: "Các tình nguyện viên Công giáo đều sẵn sàng tham gia hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu. Tôi mong muốn các tình nguyện viên truyền năng lượng cho đội ngũ y, bác sĩ trong công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Và động viên cho nhiều bệnh nhân sớm vượt qua cơn bạo bệnh".

Tỏa hương thơm ngát giữa đời

Để góp phần chia sẻ những khó khăn với các chiến sĩ, bệnh nhân đang ngày đêm chống dịch, thời gian qua nhiều chùa, cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng lòng hưởng ứng phong trào "Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch". Từ đó, đã có hàng ngàn bữa cơm tình nghĩa chuyển đến phục vụ tới các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Như chùa Vĩnh Nghiêm (TPHCM) mỗi ngày phục vụ từ 10.000 đến 20.000 suất cơm; chùa Tường Nguyên (TPHCM) mỗi ngày chuẩn bị hơn 20.000 suất ăn phục vụ các bệnh viện dã chiến. 

Khi các tu sĩ tôn giáo xông pha vào tuyến đầu chống dịch - Ảnh 5.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ xuất quân cho 92 TNV Công giáo tham gia đợt 4

Giáo hội Công giáo cũng đã có sáng kiến xây dựng mô hình "Siêu thị mini 0 đồng". Mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả góp phần giảm tải những khó khăn cho đồng bào trong mùa dịch. Cùng với đó là những nghĩa cử và hành động cao đẹp như phát quà, tặng nhu yếu phẩm… của các chức sắc Công giáo đã làm ấm lòng giáo dân, góp phần vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về phòng, chống dịch.

Khi các tu sĩ tôn giáo xông pha vào tuyến đầu chống dịch - Ảnh 6.

Các TNV sẽ được khám sàng lọc kỹ càng trước khi tham gia chống dịch

Ở các tỉnh, thành khác, đồng bào tôn giáo cũng ngày đêm hướng về bà con vùng dịch tại TPHCM. Như tại tỉnh Cà Mau, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau đã thực hiện vận chuyển 6 chuyến hàng chuyển đến tâm dịch, với gần 50 tấn nông sản, thực phẩm và nhu yếu phẩm, trị giá trên 290 triệu đồng. 

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố và các tổ chức tôn giáo, tính đến ngày 16/8/2021, các tôn giáo đã tích cực vận động, ủng hộ bằng tiền, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống Covid-19 với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã vận động ủng hộ hơn 3.000 tấn nông sản, 200.000 phần quà với tổng giá trị lên tới 10 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp Giáo hội cũng vận động ủng hộ 170 máy thở và tạo oxy. Tổng giá trị giá hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế Giáo hội các cấp quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 lên tới gần 50 tỷ đồng.

Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng đã vận động quyên góp tiền, hàng hóa, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch gần 20 tỷ đồng, trong đó Giáo hội Công giáo hỗ trợ 8 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, trao tặng 2.000 phần quà hỗ trợ những gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Phạm Thương
Phạm Thương, ST
21/08/2021 00:00