Khi con cứ thích là bỏ việc

13/08/2015 - 13:59
Là giám đốc công ty nhưng chưa đầy một tháng Trang đã bỏ đi mà không dành thời gian để công ty tìm người thay thế. Trang luôn nghĩ, thích thì làm, không thích thì bỏ, việc gì phải quan tâm nhiều.
Đầu tháng 12, Thùy Trang (Q.Tân Bình, TPHCM) đã nói lời tạm biệt với công việc thứ năm của mình trong vòng một năm kể từ khi tốt nghiệp đại học.

Là cử nhân Kinh tế nhưng Trang thực sự không biết mình muốn làm nghề gì trong tương lai. Cô thử sức ở nhiều vị trí khác nhau: Từ nhân viên bán hàng đến trợ lý cho một công ty lớn... Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Trang biết cách hoàn tất công việc được giao và có nghĩa vụ bàn giao toàn bộ công việc cho người mới trước khi nhảy việc.

Tuy nhiên, cô đã gây ra rắc rối lớn cho cả bản thân và công ty nơi Trang đang làm quản lý marketing.

Đó là một công ty của Nhật đặt trụ sở ở TP.HCM bắt đầu khởi nghiệp. Sếp là người Nhật nên không thể đứng tên trên giấy tờ đăng ký kinh doanh nên muốn nhờ Trang đứng ra đóng vai trò là Giám đốc công ty. Trang gật đầu không chút do dự. Thế nhưng, chưa đầy một tháng sau đó, Trang cảm thấy chán ngán với công việc nên đã quyết định bỏ đi mà không dành thời gian để công ty tìm được người mới và chuyển giao công việc. Công ty rơi vào tình trạng lao đao do nội bộ lục đục.

Là giám đốc công ty nhưng chưa đầy một tháng Trang đã bỏ đi mà không dành thời gian để công ty tìm người thay thế. Ảnh đại diện: Guu
Sếp đề nghị Trang ở lại và giúp đỡ công ty thêm vài ngày nhưng Trang… không có hứng nên không thích làm. Trang luôn nghĩ rằng, thích thì làm, không thích thì bỏ, việc gì phải quan tâm nhiều!
 
Mãi đến lúc sếp “nổi cơn tam bành” và mắng Trang một trận, nói Trang là người vô trách nhiệm, đã nhận lời giúp trở thành Giám đốc công ty thì nên có trách nhiệm đến cùng, hay ít nhất, cho công ty một chút thời gian chuẩn bị,... Trang mới nhận ra mình đã cư xử tệ như thế nào.

“Cứ giữ thái độ đó, em sẽ chẳng bao giờ có thể thành công đâu!” - những lời sếp nói đến giờ vẫn được ghim sâu và trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí Trang.

Hẳn nhiên, Trang không phải trường hợp duy nhất. Thế giới ngoài kia còn rất nhiều người trẻ như Trang, tự cho phép mình được sống một cách tự do và đánh đồng chữ “tự do” với 3 chữ “vô trách nhiệm”.

Bên cạnh việc cho phép các con tự lựa chọn hướng đi cho bản thân và ủng hộ con với những lựa chọn của riêng mình, các phụ huynh cần trang bị cho con thói quen sống có trách nhiệm thông qua những hành động, cử chỉ rất nhỏ mỗi ngày:

- Phân công nhiệm vụ làm việc nhà: Dọn dẹp, nấu nướng,... cho các thành viên trong nhà và đề nghị mọi người có trách nhiệm với việc làm của mình. Trong trường hợp không thể về nấu nướng kịp giờ, hãy gọi điện hay nhắn tin cho một người khác trong nhà để “đổi lịch”! Im lặng và để mọi chuyện rơi vào tình trạng “quá muộn” là hành vi cực kỳ thiếu trách nhiệm và không thể chấp nhận được.

- Dạy con cân nhắc mọi thứ thật kỹ lưỡng trước khi nhận lấy một trách nhiệm nào đó.

- Dạy con biết kiên trì với những điều mình đã chọn và kiên trì để làm điều mình yêu thích. Người ta cần kiên trì để thực hiện trách nhiệm và đôi khi điều đó sẽ dẫn con bạn đến thành công chứ không phải tâm lý “thích là nhích!”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm