Khoảng lặng buồn của những đứa trẻ Tết này vắng mẹ

30/01/2022 09:05
3 anh em Trần Đức Thịnh (sinh năm 2011), Trần Thiên Phước (sinh năm 2018), Trần Đăng Khôi (sinh năm 2020) mồ côi mẹ do Covid-19

3 anh em Trần Đức Thịnh (sinh năm 2011), Trần Thiên Phước (sinh năm 2018), Trần Đăng Khôi (sinh năm 2020) mồ côi mẹ do Covid-19

Tết là khoảng thời gian mong đợi nhất của những đứa trẻ. Các em được ba mẹ mua cho quần áo mới, được du xuân, vui chơi, nhận lì xì… Song, Tết này của những đứa trẻ mồ côi cha mẹ vì Covid-19 lại là khoảng lặng buồn.

Thay ba mẹ đưa em về quê chúc Tết họ hàng

Hoàn cảnh của Phạm Trần Anh Thùy (sinh năm 2010, tạm trú tại 2009/8A Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, TPHCM) khiến nhiều người không khỏi xót xa khi em chịu cảnh mồ côi cả cha và mẹ. Thùy là 1 trong 150 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ từ Chương trình Mottainai "Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc" của Báo Phụ Nữ Việt Nam. Vào tháng 7/2021, ba em mất do đột quỵ, một tháng sau, mẹ mắc Covid-19 rồi qua đời. Hiện Thùy đang sống cùng anh chị. Ba chị em Thùy sống trong phòng trọ chật chội, ẩm thấp. Phạm Trần Anh Thư, chị của Thùy, làm nghề bán bánh tráng trộn. Ngày ba mẹ mất, Thư đặt quyết tâm sẽ thay ba mẹ nuôi em ăn học đến nơi đến chốn. Ngày Tết, Thư càng quan tâm nhiều hơn để các em vơi bớt nỗi nhớ ba mẹ.

Xuân này vắng mẹ - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp gia đình Phạm Trần Anh Thùy cùng nhau đón Tết Tân Sửu 2021. Năm nay, không còn ba mẹ, chị em Thuỳ dự định về quê Tiền Giang chúc Tết họ hàng rồi lại lên TPHCM - Ảnh: NVCC

Thư bộc bạch: "Mọi năm, cứ vào dịp Tết, cả nhà em sẽ về quê nội ở Tiền Giang. Hoặc cả nhà chở nhau đi chơi Đầm Sen, Suối Tiên. Gia đình em hay đi chơi Tết trong thành phố vì không có nhiều tiền để đi chơi xa. Thế nhưng chúng em luôn cảm thấy hạnh phúc. Năm nay, em vẫn mua quần áo đẹp cho các em, lo bánh trái chu đáo. Em cũng dẫn các em về quê như mọi năm, chỉ có điều là không có ba mẹ. Từ TPHCM về Tiền Giang cũng gần nên tụi em sẽ về đó ít hôm rồi lên lại, chăm lo bàn thờ cho ba mẹ và đi chúc Tết các dì, cậu bên ngoại. Học kỳ này bé Thùy học lực được giữ vững nên em rất vui. Em cực thêm xíu không sao, chỉ mong em ấy ăn học thành người".

"Giờ con không còn mẹ, tôi sẽ bù đắp yêu thương cho con"

Còn hoàn cảnh 3 anh em: Trần Đức Thịnh (sinh năm 2011), Trần Thiên Phước (sinh năm 2018) và Trần Đăng Khôi (sinh năm 2020) cũng xót xa không kém. Mẹ của ba đứa trẻ mất do Covid-19. Giờ đây, anh Trần Duy Hưng (tổ 4, ấp Xuân Thới Đông 3, Xuân Thới Đông, Hóc Môn, TPHCM) chịu cảnh "gà trống nuôi con" với đồng lương công nhân eo hẹp. Dẫu cuộc sống nhiều khó khăn nhưng anh Hưng luôn nỗ lực để nuôi nấng và bù đắp tình cảm cho các con. 

Anh Hưng tâm sự: "Vợ tôi đi nhanh quá. Tôi mất thời gian dài bàng hoàng. Từ khi vợ mất, một mình tôi phải lo mọi việc. Mọi thứ đều trở nên khó khăn với tôi. Con lớn thường hay nhớ mẹ nên hay đòi còn 2 đứa nhỏ thì chưa biết gì. May mắn là các con đều khỏe, ngoan ngoãn, ít quấy đêm. Nhờ nhiều người động viên nên tôi cũng bình tĩnh trở lại. Tôi nghĩ, nếu bản thân mà suy sụp thì ai lo cho 3 đứa con. Đến giờ mọi thứ đã dần dần ổn định. Công ty tạo điều kiện cho tôi được về sớm chăm con. Gia đình tôi theo đạo Thiên Chúa nên Tết năm nay chúng tôi chủ yếu ở nhà cầu nguyện và đi nhà thờ. Giờ các con không có mẹ thì tôi sẽ chăm lo thật tốt cho các con để bù đắp lại".

Dịp Tết năm nay, Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh sẽ hướng tới các đối tượng là những gia đình có phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, chúng tôi có kế hoạch sẽ tổ chức sân chơi cho các bé thông qua chương trình "Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình". Năm nay, Hội sẽ có những hỗ trợ thiết thực đối với trẻ mồ côi do dịch Covid-19, mang đến cho các con một cái Tết ấm áp".

Bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Khoảng lặng buồn của những đứa trẻ Tết này vắng mẹ  - Ảnh 3.

Trẻ mồ côi do dịch Covid-19 tại quận 12, TPHCM, nhận quà từ chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do Hội LHPN Việt Nam phát động

"Con mong sau Tết sẽ được đến trường"

Dịch bệnh khiến nhiều trẻ phải chịu nỗi đau mất người thân nhưng các em luôn mạnh mẽ trong cuộc sống. Nhiều em đã cố gắng vươn lên học giỏi, không phụ lòng mong mỏi của bạn bè, thầy cô và gia đình. Như trường hợp của em Phạm Trần Anh Thùy. Hằng ngày, ngoài việc học, Thùy còn phụ chị nấu ăn, làm việc nhà và năng nổ tham gia các hoạt động của trường lớp. Khi nhận được chiếc máy tính bảng do Hội LHPN tặng, em rất vui vì việc học trực tuyến được thuận lợi hơn. Thùy mong ước: "Em luôn tin rằng ba mẹ vẫn mãi ở cạnh tụi em. Vậy nên em sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này đỡ đần chị hai, anh ba. Em mong dịch Covid-19 sẽ biến mất, không còn trẻ em nào phải mồ côi giống như em. Em mong sau Tết, tất cả học sinh sẽ được đến trường trở lại".

Còn anh Trần Duy Hưng cũng phấn khởi khi con lớn của anh có kết quả học tập khá tốt: "Con tôi đang học lớp 5 và học online trong học kỳ 1. Dù khó khăn nhưng con luôn tự giác học tập. Cô giáo gửi bảng điểm về toàn điểm 8, điểm 9. Tôi cảm thấy rất vui".

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các em và gia đình, luôn có sự đồng hành, động viên, hỗ trợ của các ngành, các cấp, địa phương và cộng đồng để tiếp thêm sức mạnh cho các em. Trong dịp Tết đến Xuân về, sự sẻ chia ấy càng được nhân lên. Bởi lẽ Tết là để yêu thương…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.