Bộ Công Thương vừa tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2019 và Lễ Chào mừng 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương, tại TPHCM. Đây là sự kiện mở đầu cho mở đầu cho chuỗi sự kiện ra trong tháng 5 trên khắp cả nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được tổ chức rộng khắp trên 4 lĩnh vực, gồm Thông tin tuyên truyền; Rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất; Xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; Cải cách thủ tục hành chính và quản lý thị trường.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 10 năm qua, các đơn vị trong ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động, Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động và có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc triển khai, thực hiện vì vậy đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt.
Đồng thời khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.
Cùng với đó, phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm của ngành dệt may nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm,…).
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để tiếp bước thành công của chặng đường 10 năm, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương, Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động hàng năm của Bộ.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu; theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cho biết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường… nhằm lan tỏa, khích lệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng mạnh mẽ hơn.
Thay mặt Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết: Các hoạt động của chương trình đã truyền tải đến người tiêu dùng những thông tin đầy đủ, chính xác hơn về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, từ đó thay đổi tâm lý, hành vi tiêu dùng theo hướng lành mạnh hơn.
Đặc biệt, “những hoạt động của ngành Công Thương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước sắp xếp, đổi mới, phát triển và cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm việc làm cho người Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn, hạn chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội".