Không vay được tiền, mất luôn nhà ở

27/12/2015 - 10:30
Vì cần tiền để mở rộng mô hình chăn nuôi, vợ chồng anh Ngô Văn Xuân ở Khối 11, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn (Hà Nội) mang sổ đỏ đi nhờ người quen vay tiền. Tiền chẳng vay được, anh còn mất sổ và sau đó là mất luôn ngôi nhà đang ở.

Trao cả gia sản cho người lạ

Anh Ngô Văn Xuân cho biết, vì lần đầu tiên đi vay với số tiền lớn, khoảng 100 triệu đồng, anh lại không quen làm thủ tục giấy tờ nên vợ chồng anh đã nhờ bà Nguyễn Thị Nga là hàng xóm giúp. Bà Nga đã giới thiệu để anh Xuân gặp bà Nguyễn Thị Lý, ở thôn Vân Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Tại nhà bà Lý, vợ chồng anh Xuân còn gặp thêm bà Lưu Thị Hoàng Mai được bà Lý giới thiệu là nhân viên ngân hàng, một người đàn ông được giới thiệu là cán bộ phòng công chứng.

Sau khi nghe vợ chồng anh Xuân trình bày nguyện vọng vay tiền, bà Lý hứa sẽ giúp được nhưng với điều kiện, vợ chồng anh Xuân phải làm Hợp đồng ủy quyền sổ đỏ cho bà Lý, như vậy việc vay tiền mới dễ. Tin tưởng là chỗ bà Nga giới thiệu nên ngày 11/2/2010, tại nhà bà Lý, vợ chồng anh Xuân đã làm Hợp đồng ủy quyền sổ đỏ của gia đình cho bà Lý. Trong hợp đồng ủy quyền có điều khoản: “Bên A (vợ chồng anh Xuân) đồng ý cho bên B (bà Lý) được quyền chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất với căn nhà và mảnh đất mà vợ chồng anh Xuân đang ở. Việc tìm người nhận chuyển nhượng, người nhận cho tặng, người thuê, giá cả thỏa thuận và phương thức thanh toán do bên B toàn quyền quyết định. Bên B được nhận khoản tiền thu được từ việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng mảnh đất nhà anh Xuân đang ở”.

Vợ chồng anh Hiếu chị Tơ

Sau khi đọc thấy điều khoản trên, vợ chồng anh Xuân sợ bất trắc nên đã không ký vào Hợp đồng ủy quyền. Tuy nhiên, để vợ chồng anh Xuân tin tưởng, bà Lý đã làm thêm một “Giấy cam kết” với nội dung: “Tôi là Nguyễn Thị Lý có cầm một sổ đỏ nhà đất của vợ chồng anh Ngô Văn Xuân. Số sổ A538601 thửa số 17, tờ bản đồ số 4 để dùng vào việc vay vốn của ngân hàng cho anh Xuân, không được sử dụng vào việc gì khác”. Có giấy cam kết, vợ chồng anh Xuân đã ký và hẹn 15 ngày sau quay lại nhà nhà bà Lý nhận tiền như lời bà Lý hứa.

Tuy nhiên, đúng hẹn đến nhà nhưng bà Lý nói rằng không vay được tiền đồng thời cũng không giao lại sổ đỏ cho anh Xuân. Rất nhiều lần sau đó, vợ chồng anh Xuân đã tìm đến nhà bà Lý đòi sổ đỏ nhưng đều không được. Tháng 8/2010, khi liên tục bị anh Xuân đòi sổ, bà Lý tiếp tục viết giấy hẹn 1 tuần sẽ trả lại cho anh Xuân, nếu không trả sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng sau đó bà Lý vẫn không trả.

Bỗng dưng bị “mời” ra khỏi nhà

Tiền không nhận được một xu, sổ đỏ cũng chưa đòi được thì một ngày cuối năm 2010, một nhóm người đã tìm đến nhà anh Xuân và thông báo: “Nhà anh chị đã được bà Lý bán cho chúng tôi, yêu cầu anh chị sớm bàn giao”. Vợ chồng anh Xuân không tin đó là sự thật thì nhóm người này đã đưa cho anh Xuân xem “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất” được bà Lý chuyển nhượng cho anh Đỗ Văn Hiếu (SN 1977, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội” đúng vào ngày vợ chồng anh Xuân làm Hợp đồng ủy quyền.

Cho rằng, mình đã bị lừa, vợ chồng anh Xuân đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Khi đơn thư của anh Xuân chưa được giải quyết, anh Hiếu đã làm đơn kiện vợ chồng anh Xuân ra TAND huyện Sóc Sơn “yêu cầu thực hiện hợp đồng quyền sử dụng đất”. TAND huyện Sóc Sơn mời các bên liên quan lên làm việc. Lời khai của bà Lý nói rằng, việc bà thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng cho anh Hiếu là nhằm giúp bà Lưu Thị Hoàng Mai vay số tiền của anh Hiếu 800 triệu đồng. Bản thân bà Mai cũng thừa nhận, là nhờ bà Lý dùng Hợp đồng ủy quyền sổ đỏ nhà anh Xuân để chuyển nhượng cho anh Hiếu với mục đích là vay tiền anh Hiếu. Số tiền trên bà Mai đã nhận đủ và viết giấy biên nhận cùng cam kết sẽ hoàn trả lại cho bà Lý.

Suốt mấy năm qua, anh Hiếu đi “kêu oan” nhưng vẫn chưa được giải quyết

Được biết, sau nhiều lần tiến hành đối chất, hòa giải, hoãn phiên tòa, ngày 3/12/2015, TAND huyện Sóc Sơn lại quyết định đưa vụ án dân sự do anh Hiếu khởi kiện ra xét xử. Tuy nhiên, sau khi nhận được giấy triệu tập của tòa án, vợ chồng anh Xuân đã làm đơn xin hoãn phiên tòa với lý do vụ việc đang được Công an thành phố Hà Nội điều tra. TAND huyện Sóc Sơn buộc phải hoãn phiên tòa sang ngày 11/12/2015.

Luật sư Dương Thị Thanh Nga, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, người trợ giúp pháp lý cho anh Xuân cho rằng: Có rất nhiều chi tiết cần làm rõ trong vụ việc này. “Nếu vợ chồng ông Xuân có ý định bán nhà đất thì vợ chồng họ đã tự ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhận tiền bán đất từ người mua (ông Hiếu). Ngày 11/2/2010, cũng tại Văn phòng công chứng Hồ Gươm (48 Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), vợ chồng ông Xuân bà Tơ ký hợp đồng ủy quyền cho bà Lý, cũng trong ngày đó bà Lý ký Hợp đồng bán đất của gia đình ông Xuân cho ông Hiếu và nhận đủ tiền bán đất”, luật sư Nga phân tích.

Theo luật sư, việc công chứng Hợp đồng ủy quyền tại hai địa điểm (tại nhà bà Lý và tại trụ sở văn phòng công chứng Hồ Gươm 48 Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là sai bởi theo quy định của pháp luật thì: Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Cụ thể, nếu vợ chồng anh Xuân hoặc bà Lý không thể đi lại được, không thể đến văn phòng công chứng.

Luật sự cho rằng, việc TAND huyện Sóc Sơn quyết định đưa vụ án ra xét xử khi chưa có kết quả giải quyết đơn tố giác, tin báo về tội phạm của ông Ngô Văn Xuân từ cơ quan điều tra (chưa có quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự) là vi phạm khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 4 Điều 22 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP vì đây thuộc trường hợp Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi “cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án”

Khoản 4 Điều 22 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP quy định: “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm