Làm giàu từ nông sản sạch theo mô hình hợp tác xã ở Bạch Thông

29/06/2018 - 08:24
Từng rơi vào cảnh “chạy cơm từng bữa”, nông sản làm ra bị tư thương ép giá đành phải chặt bỏ làm thức ăn cho gia súc… nhưng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên, phụ nữ ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã và làm giàu.

Làm giàu từ nông sản sạch 

Điển hình đầu tiên phải kể đến là chị Nguyễn Thị Niên (SN 1975, ở xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông), hiện là giám đốc hợp tác xã An Bình. Dù mới được thành lập gần 1 năm trở lại đây, nhưng bước đầu hợp tác xã An Bình đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho 11 thành viên đều là hội viên, phụ nữ.

Chị Nguyễn Thị Niên, Chủ nhiệm hợp tác xã An Bình
 

Sỹ Bình là một xã miền núi, vùng sâu vùng xa, đất đai không mấy màu mỡ và đặc biệt là muốn ra được trung tâm cũng rất vất vả vì đường sá đi lại khó khăn. Trước đây, người dân chỉ biết phát rẫy trồng ngô, đến mùa giáp hạt lại rơi vào cảnh đói kém, phải đi vay đi mượn. Nông sản sạch bị tư thương ép giá buộc phải chặt bỏ làm thức ăn cho gia súc hoặc để thối rữa ngoài đồng. 

 “Người dân ở đây có thói quen bảo thủ, chỉ trồng và thu hoạch chứ không đầu tư nên nông sản trồng ra năng suất không cao, phụ thuộc rất nhiều vào tư thương. Ban đầu khi mới hình thành ý tưởng thành lập hợp tác xã, nhiều chị em ngần ngại không muốn tham gia, mình phải đi kêu gọi, vận động mãi. Đến khi thấy hiệu quả và được chia hoa lợi mỗi người hàng chục triệu đồng, chị em mới đăng ký tham gia. Bây giờ, người dân xung quanh vùng đã bắt đầu chú trọng đầu tư hơn để có sản phẩm chất lượng. Hợp tác xã ngoài tiêu thụ hàng nông sản do hợp tác xã sản xuất còn làm đầu mối tiêu thụ nên cũng mang lại thu nhập cho không ít lao động. Điều đó khiến mình rất mừng”, chị Niên tâm sự. 

Sau gần 1 năm thành lập, hợp tác xã An Bình đã đem lại những hiệu quả tích cực khi sản lượng tỏi thu hoạch được trên 30 tấn/năm, đàn trâu vỗ béo, trâu sinh sản hiện có trên 60 con, lợn 300 con, bí đao hàng chục tấn/vụ, chuối tây... mang lại thu nhập cho mỗi thành viên trong HTX trên 6,5 triệu đồng/tháng. 

Bên cạnh những cây trồng ngắn ngày, hợp tác xã cũng đang sở hữu hơn 30 ha cây hồi trên 2 năm tuổi và sắp cho thu hoạch. 

Không cam chịu bị ép giá 

Xã Vi Hương, huyện Bạch Thông cũng là vùng hẻo lánh nằm cách trung tâm huyện hàng chục km, đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt là chuối, khoai, bí đỏ, măng... là những cây trồng đặc trưng của vùng lại có thời gian thu hoạch ngắn, thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”. Nhiều mùa vụ, người dân chán nản, không thu hoạch, phải bỏ thối ngoài đồng vì bị tư thương ép giá nên thu nhập của người dân chẳng đáng là bao.

Chị Lý Thị Quyên bên mẻ chuối sấy vừa ra lò
 

Nhìn cảnh nhiều diện tích đất của bà con phải bỏ hoang làm nơi chăn thả trâu bò, trong khi người dân không có thu nhập khiến chị Lý Thị Quyên luôn trăn trở. Năm 2015, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị Quyên đã đứng ra thành lập hợp tác xã chế biến nông sản Thiên An (ở thôn Nà Ít) với 11 thành viên đều là hội viên, phụ nữ. 

Đến đầu năm 2017, dù mới thành lập còn nhiều khó khăn nhưng hợp tác xã Thiên An đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm chế biến sấy khô nông sản, khắc phục tình trạng nông sản bị hư hỏng do không kịp thu hoạch và không phải phụ thuộc vào tư thương. 

Chị Lý Thị Quyên chia sẻ: “Dù mới thành lập nhưng hợp tác xã hướng tới sự uy tín và sản phẩm sạch chứ không vì quá mải mê lợi nhuận trước mắt mà làm ra những sản phẩm gian dối. Những sản phẩm do hợp tác xã chế biến, sản xuất không có chất bảo quản, được người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao. Trong thời gian tới, hợp tác xã Thiên An sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở vật chất để tăng chất lượng, số lượng của sản phẩm sấy khô này, kèm theo đó là sẽ đưa nhiều loại nông sản khác vào sấy khô”. 

Với những thành tích đạt được, vừa qua, chị Lý Thị Quyên đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thanh niên khởi nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số năm 2018. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm