Lễ hội tôn vinh vị thần đầu voi Ganesha ở Ấn Độ

14/09/2021 15:37
Ganesha không chỉ được tôn thờ ở Ấn Độ mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Ảnh: AFP

Ganesha không chỉ được tôn thờ ở Ấn Độ mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Ảnh: AFP

Từ ngày 10 đến 20/9/2021, Lễ hội Ganesh Chaturthi, lễ hội tôn vinh vị thần đầu voi Ganesha, được tổ chức trang trọng ở thành phố Mumbai, Ấn Độ.

Lễ hội quan trọng của người theo đạo Hindu

Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người theo đạo Hindu. Càng gần đến lễ hội, các khu chợ tại Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ, càng trở nên náo nhiệt. Đường phố ở đây cũng trở nên đông đúc khi người dân Ấn Độ tất bật chuẩn bị cho sự kiện văn hóa quan trọng này.

Mumbai từng ghi nhận kỷ lục 11.000 ca nhiễm Covid-19 chỉ trong 1 ngày trong làn sóng đại dịch thứ hai thảm khốc tại Ấn Độ, nhưng sau đó chính quyền thành phố đã dần kiểm soát thành công dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Hiện tại, hầu hết biện pháp hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 đã được dỡ bỏ tại Mumbai. Các chuyến tàu cũng chào đón những hành khách đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, khi lễ hội Ganesh Chaturthi đến gần, giới chức địa phương đã áp đặt những quy định mới đối với các đám rước, đồng thời hạn chế tụ tập tại một số địa điểm gần nơi thờ phụng.

Trước khi đại dịch Covid-19 tấn công Mumbai, hàng nghìn người từng lấp kín đường phố để gửi lời cầu nguyện trước những bức tượng thần Ganesha được đặt khắp nơi. Vào ngày cuối cùng của lễ hội, các bức tượng sẽ được thả ra biển. Năm nay, chính quyền thành phố Mumbai khuyến cáo chỉ nên để 10 nhân viên, tốt nhất là những người đã tiêm được vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ, thực hiện nghi thức đưa tượng thần đầu voi Ganesha ra biển.

Thần Ganesha là vị thần đáng kính đối với những người theo đạo Hindu. Hình dạng của thần kỳ dị, với đầu voi mình người. Thần Ganesha là biểu tượng của tài trí, hạnh phúc và thành công. Ngài là con của thần Shiva và nữ thần Parvati. Thần Ganesha không chỉ được tôn thờ ở Ấn Độ mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan.

Lễ hội tôn vinh vị thần đầu voi Ganesha ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Thần Ganesha là vị thần đáng kính đối với những người theo đạo Hindu. Ảnh: Hindustan Times

Thần đầu voi Ganesha còn tượng trưng "cho sự hợp nhất giữa tiểu vũ trụ và đại vũ trụ" và được xem là vị Phúc thần đáp ứng những điều may mắn, cát tường cho mọi lời cầu nguyện. Theo quan niệm của các tín đồ Hindu, voi còn là biểu tượng truyền đạt sức mạnh đáng kinh ngạc. Tuy rất mạnh mẽ nhưng bản chất của voi luôn tìm kiếm sự hòa bình. Hình ảnh của voi còn được gắn liền với hình ảnh của sự hi sinh, bảo vệ và che chở cho những người thân xung quanh.

Thần Ganesha cũng được coi là nhân vật mang đến sự thành công, vượt qua mọi chướng ngại, nên Ganesha còn trở thành vị thần chủ yếu của các thương gia, doanh nhân. Thần Ganesha có quyền lực ban tính bất tử cho đệ tử của mình. Con số 21 là con số thiêng liêng của thần Ganesha.

Đầu voi của thần Ganesha là công trình của thần Shiva, muốn biến hóa một con người hăng tính thành một nhân vật khôn ngoan và tinh tế. Con đường đi tìm cái đầu về phía Bắc có nghĩa là con đường thiên khải (devayana), cái đầu sinh vật thứ nhất hướng mặt về phía Bắc (uttaram) biểu hiện điềm lành và thấm nhuần đạo lý.

Truyền thuyết voi thần Ganesha

Theo truyền thuyết, thần Ganesha là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati. Nữ thần Parvati luôn bị thần Shiva nhìn với con mắt thèm muốn nên nữ thần đã tìm cách tự bảo vệ mình. Do đó bà đã tạo ra thần Ganesha khi thần Shiva đang trên đường đi săn.

Một lần nọ, nữ thần Parvati trong khi tắm đã dùng đất có được do kì cọ trên cơ thể của mình tạo nên một cậu bé. Sau đó bà giao cho cậu bé này nhiệm vụ canh giữ phòng tắm của bà. Khi thần Shiva, chồng của nữ thần Parvati lúc đi ra ngoài trở về, đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một kẻ lạ lẫm không biết ở đâu tới đã ngang nhiên chặn cửa không cho mình vào.

Đùng đùng nổi giận, thần Shiva đã chặt đứt đầu cậu bé. Khi hay biết sự việc, nữ thần Parvati vô cùng buồn đau. Để an ủi vợ, thần Shiva bèn phái đội quân của ngài đi lấy đầu của bất cứ con vật nào mà họ gặp nếu con vật đó đang ngủ mà mặt quay về hướng Bắc.

Đội quân của thần Shiva đi tìm, thấy một con voi con đang ngủ thì chặt đầu mang về. Thần Shiva sau đó gắn đầu voi vào thân hình cậu bé, hồi sinh lại mạng sống và giao cho cậu nhiệm vụ lãnh đạo đội quân của mình. Cậu bé này do đó có tên là Ganesha (ganesah có nghĩa là người cai quản hay chúa tể của một nhóm).

Thần Shiva cũng ban cho cậu bé thêm một đặc ân, rằng dân chúng sẽ thờ phụng và đọc tên của cậu bé này trước khi thực hiện một công việc nguy khó. Đó là những gì được mô tả về thần Ganesha trong văn học Shiva Purana.

Lễ hội tôn vinh vị thần đầu voi Ganesha ở Ấn Độ - Ảnh 2.

Người dân mua sắm tại khu chợ đông đúc ở Mumbai, Ấn Độ để chuẩn bị cho lễ hội Ganesh Chaturthi. Ảnh: AFP

Ngày nay, để tưởng nhớ đến vị thần Ganesha đáng kính, người ta còn tổ chứng một ngày lễ tưởng nhớ đến ông, đó chính là lễ hội Ganesh Chaturthi. Lễ hội Ganesh Chaturthi là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của người Hindu ở Mumbai - và cũng là dịp để người Ấn Độ kỷ niệm ngày sinh của thần Ganesha đầu voi.

Trong quá khứ cũng như hiện tại, hầu hết giáo phái của đạo Hindu đều tôn thờ đầu voi Ganesha. Ở khu vực miền Nam Ấn Độ, Ganesha còn là thần chính. Vào ngày chính hội rước tượng thần, người dự hội hóa trang sặc sỡ với màu chủ đạo là màu đỏ. Mọi người tham gia lễ hội vui chơi, ca hát và nhảy múa. Ở thành phố Mumbai, ngày hội này cũng là ngày nghỉ và tất cả người dân cùng chúc tụng nhau gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.

Nguồn: Theo Reuters, Hindustan Times

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.