Lễ rước linh vật của dân tộc Cor

Nam khiêng bộ gu, nữ múa điệu ka đáu trong lễ rước vật linh

Nam khiêng bộ gu, nữ múa điệu ka đáu trong lễ rước vật linh

Dân tộc Cor sinh sống lâu đời ở huyện Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi), Bắc Trà My (Quảng Nam). Người Cor còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa độc đáo, tiêu biểu là điêu khắc và trang trí trên cây nêu và bộ gu.

Lễ rước linh vật của dân tộc Cor - Ảnh 1.

Già làng chuẩn bị các khay lễ vật dâng cúng thần

Vào dịp lễ hội ăn trâu mừng mùa bội thu, đồng bào thường làm bộ gu và cây nêu (gấk). Bộ gu để trang trí trong nhà, còn cây nêu thường dựng ngoài sân vườn. Đây là hai linh vật quan trọng nhất không chỉ trang trí làm đẹp cho không gian lễ hội mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Lễ rước linh vật của dân tộc Cor - Ảnh 2.

Nghi thức dâng lễ vật dâng cúng thần linh dưới gốc cây nêu

Người Cor đã sáng tạo ra nhiều loại cây khác nhau như: nêu phướn (xa glák), nêu thượng (xa cô), nêu xa cóh, nêu lá (xa xje), nêu cót kjá, nêu dù (gâk đlu); nêu đu đủ (pa-lay đu)...Trong các loại cây nêu, nêu phướn (xa glák) là loại nêu tròn có hình vẽ hoa văn, được dựng cao. Đồng bào gọi là nêu phướn vì có đan lá phướn treo từ đỉnh nêu thòng xuống, có đẽo hình chim chèo bẻo treo trên đầu nêu.

Phụ nữ dân tộc Cor múa điệu ka đáo xung quanh cây nêu; Cây nêu phướn của dân tộc Cor với tấm phướn dài treo trên đỉnh; Trang trí trên cây nêu bắp chuối của dân tộc Cor

Cây nêu thượng (xa cô) giống như nêu phướn nhưng không có lá phướn, phải có gu trong nhà, có chim chèo bẻo trên đầu nêu.

Nêu lá (xa xje) làm từ cây chò, chặt về để nguyên lá, không khắc vạch hoa văn, đầu nêu không có hình chim chèo bẻo.

Nêu bắp chuối (cót kjá) là cây nêu dựng trong lễ cúng ông bà, cao khoảng 6 mét, đầu nêu có hình bắp chuối chỉa thẳng lên trời nên gọi là nêu bắp chuối.

Nêu dù (gâk đlu) là cây nêu dùng trong lễ ăn trâu cúng giải hạn, cao độ 5 mét, có tán như cái dù (lọng) và có hình tia mặt trời trên đỉnh nêu.

Nêu đu đủ (pa-lay đu) là cây nêu tạo dựng trong lễ ăn trâu để cầu an và cầu phước lộc, cao khoảng trên 4 mét, đỉnh nêu có tia mặt trời, gần đỉnh có những quả đu đủ đẽo khắc bằng gỗ.

Bên cạnh cây nêu, đồng bào Cor còn tạo ra bộ gu có giá trị về nghệ thuật tạo hình. Có nhiều loại gu khác nhau, chúng được bố trí ở một số vị trí trong ngôi nhà. Gu bla còn gọi là gu tròn, được treo lơ lửng ở giữa nhà; lavan là gu dẹt, chỉ trang trí một mặt gồm có gu mók a-tưl treo ở vách nhà hay phía trên khung cửa ra vào phía trước của ngôi nhà dài, gu mók tum treo trên cửa ra vào bếp và gu tum treo lửng trên bếp.

Bộ Gu Bla, gu tròn làm điểm nhấn trong không gian kiến trúc nhà dài dân tộc Cor; Bộ gu Lavan- gu dẹt treo trên xà nhà của dân tộc Cor

Trong đó Gu bla là kiểu gu khá đặc biệt, gồm có thân gu và 4 lá gu tạo nên 8 tai gu có hình tròn xây ra bốn phía trang trí nhiều hoa văn, họa tiết độc đáo. Phía trên Gu bla có treo tượng chim đại bàng (síp trác)...

Lễ rước linh vật của dân tộc Cor - Ảnh 5.

Thấy cúng dân tộc Cor tiến hành nghi lễ cúng thần linh bên bộ gu

Nghi lễ rước cây nêu, vật thiêng của dân tộc Cor; Lễ rước cây nêu, linh vật của dân tộc Cor

Bộ gu và cây nêu là những báu vật không thể thiếu trong không gian kiến trúc và lễ hội truyền thống dân tộc Cor. Năm 2014, Bộ VHTT&DL đã đưa Nghi lễ dựng cây nêu và bộ gu của dân tộc Cor vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ rước linh vật cây nêu, bộ gu được tổ chức long trọng trong các lễ hội truyền thống dân tộc Cor và ngày hội giao lưu văn hóa do các cấp tổ chức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn