Lên Tây Bắc đợi hoa ban nở

01/02/2022 18:32
Hoa ban Tây Bắc

Hoa ban Tây Bắc

Tây Bắc mùa này lá đổ, đại ngàn đang ủ những mầm non chờ ngày kết lộc trổ hoa. Sương giăng mờ núi biếc, chập chờn lối nhỏ lên nương. Ướt đẫm tiếng Khèn môi gọi bạn tình xuống chợ… Và một rừng ban nuột nà đang chờ khách lãng du khắp mọi miền đất nước lên Tây Bắc thưởng ngoạn cùng mùa Xuân.

Lên Tây Bắc, đó là tiếng gọi náo nức của mùa cây thay lá, tiếng gọi khởi điểm của mùa Xuân sinh sôi, những bình minh vàng tươi trên triền núi. Giờ đây, hai vòng cung lớn mở ra, đưa du khách đến Tây Bắc thuận lợi, êm đềm qua trập trùng núi non hùng vỹ "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống…" ("Tây tiến" của Quang Dũng).

Từ Hà Nội, những người yêu Tây Bắc lên cao tốc Hà Nội- Lào Cai, qua Yên Bái, Lào Cai và nối với Lai Châu, nơi địa đầu Tổ quốc. Hãy nán lại một đêm, chỉ cần một đêm thôi, để đắm say vào điệu xòe Thái huyền thoại - điệu xòe Mường Lò đã được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam. Mường Lò là một trong bốn cánh đồng lớn nhất Tây Bắc như câu ca truyền miệng của đồng bào dân tộc: "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc"*. Những nơi này vừa là danh thắng, vừa là vựa thóc đặc sản của Tây Bắc, vừa là cái nôi văn hóa đặc sắc các dân tộc. Bảy làn điệu xòe Thái cổ cũng có nguồn gốc từ Mường Lò, có lẽ một phần là do từ xa xưa, con gái Mường Lò đẹp mê mẩn: Người đẹp đi ra suối tắm/ cá tìm về xem chân/ Người đẹp đi lên nương sớm/ lúa tìm về xem tay… 

Lên Tây Bắc đợi hoa ban nở - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vào vòng xòe Thái Tây Bắc là đắm say, lúng liếng đất trời, nồng nàn men rượu nếp tan giữa bản, hư hư thực thực. Vòng xòe không đẳng cấp, không dân tộc, không già-trẻ, giàu-nghèo, không cao-thấp sang-hèn. Vì thế, ngoài tính nghệ thuât, vòng xòe là biểu tượng của đại đoàn kết, nên nó bất tử! Khi mùa màng đã thu hoạch xong, chuẩn bị đón Tết, đón mùa Xuân mới là đồng nghĩa với mùa dựng nhà mới, lễ mừng cơm mới, những đêm xòe càng như bất tận hơn, trống xòe giục giã đến tận bình minh.

Lên Tây Bắc, người có vô tình nhất cũng khó lòng mà không tới Sa Pa, được ví như Đà Lạt của Lào Cai. Sa Pa là nơi rất nhiều loài hoa chen nhau đua nở. Phải kể đến là hoa đào, mận, hoa lê, hoa hồng… và đặc biệt là loài hoa bất tử. Khi Đông tàn Xuân tới, Sa Pa khoác lên mình một màn sương mờ ảo và một rừng đào đua nhau khoe sắc. Hoa đỗ quyên cây to với nhiều màu sắc, nở suốt cả tiết Xuân. Chìm trong làn mây bồng bềnh, Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng.

Thêm trăm cây số nữa, qua con đèo Hoàng Liên hùng vỹ, một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam, là đến Lai Châu. Văn hóa các dân tộc của tỉnh Lai Châu có truyền thống lâu đời và rất nổi tiếng như múa quạt Mường So, Phong Thổ; xòe Thái. Nhiều lễ hội diễn ra trong năm rất đặc sắc, như Tết truyền thống của dân tộc Hà Nhì, một trong những dân tộc tiêu biểu của Lai Châu. Khi những nụ hoa đào sắp nhú, khoảng cuối tháng 11 dương lịch là người Hà Nhì ăn Tết. Người Hà Nhì không ấn định thành ngày truyền thống ăn Tết, mà do các già làng, trưởng bản bàn bạc và quyết định. Tết thường diễn ra ba ngày, ngày ăn Tết đầu tiên được coi như đêm giao thừa và sáng sớm ngày mùng 1 Tết, người Hà Nhì có tục đi lấy nước. Họ quan niệm việc lấy nước đầu năm là lộc và có nguồn nước mới dồi dào, dùng trong những ngày Tết sẽ may mắn cả năm.

Lên Tây Bắc đầu Xuân mới, vòng cung thứ hai qua cửa ngõ Mộc Châu, Sơn La - Điện Biên - Lai Châu cũng rộng đường, rộng lòng đón bạn hiền mọi miền về chơi Tết, ngắm muôn hoa khoe sắc và đợi hoa ban nở vào cuối tháng Hai, đầu tháng Ba dương lịch. Trong màn sương mờ ảo, cao nguyên Châu Mộc thấp thoáng rừng cây sa mu, thông kim trầm mặc, hoa đào nhà ai đang hé nụ và vườn cải trắng nở tinh khôi bất tận trên đồng cỏ xanh…

Ai vẫn thường đón đợi những mùa ban thương nhớ thì về Sơn La, Điện Biên. Suốt gần năm trăm cây số của hai tỉnh, đại ngàn đến mùa trắng xóa hoa ban trên các triền núi, ven nương, dọc quốc lộ, trung tâm thành phố. Hoa ban từ ngàn đời là biểu tượng của người con gái Thái trong trắng, dịu dàng; biểu tượng của núi rừng Tây Bắc tinh khiết, chân thành.

Truyền thuyết về hoa ban kể rằng: Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một thiếu nữ tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương rẫy. Nhưng cha của Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa Xuân. Dân mường đặt tên là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum khi trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa Xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết… Từ đó, mỗi khi Xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái Tây Bắc lại rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thuỷ như đôi Ban - Khum.

Hai tỉnh Sơn La - Điện Biên nhiều năm nay đã tổ chức thường niên lễ hội Hoa Ban, nhiều du khách trong nước và quốc tế đã đến tham gia lễ hội. Khi về, nhiều người còn mang theo cả cây ban giống về trồng, như muốn lưu giữ kỷ niệm đẹp của Tây Bắc.

* Mường Thanh, Điện Biên; Mường Lò, Yên Bái; Than Uyên, Lai Châu; Phù Yên, Sơn La

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.