pnvnonline@phunuvietnam.vn
Liên đoàn bóng đá Ả Rập Xê Út tổ chức giải bóng đá nữ đầu tiên
Dự kiến giải đấu bóng đá nữ Ả Rập Xê Út được tổ chức bởi Liên đoàn bóng đá nước này vào ngày 22/11/2021. Ảnh minh họa
Giải bóng đá đầu tiên cho phụ nữ được Liên đoàn bóng đá Ả Rập Xê Út tổ chức
Sau nhiều thập niên được biết đến như là nước có những luật lệ cực kỳ hà khắc đối với phụ nữ, Ả Rập Xê Út đang có nhiều chính sách cởi mở hơn đối với nữ giới. Giải bóng đá nữ đầu tiên do Liên đoàn bóng đá Ả Rập Xê Út (SAFF) tổ chức vào cuối tháng 11 là một trong số đó.
Bóng đá là môn thể thao từ lâu đã bị cấm đối với phụ nữ tại Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, giải đấu dự kiến tổ chức vào ngày 22/11 sắp tới nằm trong chương trình mở rộng bóng đá cho phụ nữ được Liên đoàn bóng đá nước này phát động vào năm 2017.
Theo liên đoàn, giải đấu sẽ được tổ chức thành 2 giai đoạn trong khuôn khổ đấu khu vực. Giai đoạn đầu sẽ gồm 16 đội thi đấu đến từ thủ đô Riyadh (6 đội), thành phố Jeddah (6 đội) và Dammam (4 đội). Theo liên đoàn, những đội bước vào vòng chung kết sẽ thi đấu vào đầu năm 2022 tại Jeddah.
Ông Yasser Almisehal, chủ tịch SAFF cho biết, quyết định mở giải đấu bóng đá dành cho nữ giới là một "thời điểm quan trọng đối với liên đoàn".
Nỗ lực mang lại xã hội công bằng cho phụ nữ Ả Rập Xê Út
Ả Rập Xê Út vừa có động thái cho phụ nữ tiếp cận môn thể thao vua của thế giới vào năm 2018 bằng quyết định cho phép nữ giới đến sân vận động xem bóng đá. Người khởi xướng những cải cách giúp phụ nữ tiến gần hơn đến bình đẳng là Thái tử Mohammed Bin Salman, sau khi được trao quyền kế vị vào năm 2017.
Cũng vào năm 2018, Ả Rập Xê Út chính thức bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe sau hơn một thập kỷ khiến nơi này là quốc gia duy nhất trên thế giới áp dụng lệnh cấm. Theo đó, phụ nữ từ 18 tuổi trở lên sẽ được đăng ký lấy bằng lái xe. Một loạt trường dạy lái ô tô cho phụ nữ đã mở cửa tại 5 thành phố lớn ở Ả Rập Xê Út. Giảng viên nữ của các trường này đều sở hữu bằng lái quốc tế. Những người có bằng lái xe được cấp ở nước ngoài có thể đăng ký lấy bằng lái của Ả Rập Xê Út thông qua một quy trình riêng.
Ngoài ra, trong kế hoạch cải cách tầm nhìn đến năm 2030, Thái tử Mohammed Bin Salman muốn phụ nữ chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động của nước này, tăng khoảng 10% so với tỉ lệ 22% hiện tại.
Một số nới lỏng khác như cho phép phụ nữ Ả Rập Xê Út đi du lịch mà không cần sự đồng ý của giám hộ nam; phụ nữ trưởng thành được tự do lựa chọn nơi sinh sống mà không cần giám hộ nam hoặc sau khi mãn hạn tù sẽ được tự do và không bị giám sát bởi bất kì người giám hộ nào, cũng là những nổ lực đưa phụ nữ tiến gần hơn đến một xã hội bình đẳng.