Lóng Phiêng "thay da, đổi thịt" nhờ cây mận hậu

11/06/2022 11:37
Chị Vui thu hoạch mận hậu

Chị Vui thu hoạch mận hậu

Với giá bán lúc đầu vụ lên tới 120.000 đồng/kg, mận hậu đã giúp đời sống của nhiều hộ dân Lóng Phiêng "thay da, đổi thịt".

Trên đồi mận hậu của gia đình, chị Lê Thị Vui (SN 1990), hội viên Chi hội phụ nữ bản Yên Thi (xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La) đang khẩn trương thu hoạch quả.

Gia đình chị Vui có 3ha trồng mận hậu. Đây là năm thứ 3 vườn mận gia đình chị cho thu hoạch. Chị Vui cho biết, trước đây ở địa phương đã có một số hộ trồng mận hậu, với giá bán có lúc lên đến trên 100.000 đồng/kg. Thấy vậy, chị lại so sánh với vườn mận của gia đình, dù nhiều quả nhưng giá bán cao nhất chỉ được khoảng 20.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ 2-3.000 đồng/kg.

Sau khi tham khảo, cùng với với sự hỗ trợ của Hội LHPN xã và chính quyền địa phương, gia đình chị đã quyết định chuyển đổi sang trồng cây mận hậu. "Trước đây diện tích đất này của gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế kém. Qua quá trình nghiên cứu và đi học hỏi các chủ vườn mận, tôi đã đầu tư trồng mận hậu", chị Vui chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn, cũng như giúp cây phát triển tốt, trong quá trình sản xuất chị đã chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học và phân bón hữu cơ. Cùng với đó, chị được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ cho quả chín sớm.

Mận Hậu là loại trái cây nổi tiếng của núi rừng Tây Bắc. Mận được trồng nhiều ở một số tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên nhưng nổi tiếng nhất là Sơn La. Cây mận hậu trổ hoa vào mùa xuân, khoảng giữa tháng 5 là thời gian chính vụ mận hậu.

Chị Vui cho biết, cây mận dễ trồng, thích hợp với điều kiện khí hậu mát mẻ, thời gian cây sinh trưởng ngắn, cho nhiều quả, ăn giòn, chua ngọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mận sớm thường bắt đầu được thu hoạch, bán ra thị trường từ tháng 3 khi quả vẫn còn xanh, giòn và chín rộ vào tháng 4, trước mùa mận tam hoa. Theo tính toán, cây mận bắt đầu cho thu hoạch từ năm thứ 3 trở đi, mỗi cây mận chín sớm, người nông dân có thể có nguồn thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/cây/năm (sau khi đã trừ chi phí).

Với vườn mận hậu của chị Vui, trung bình khoảng 1 tuần gia đình chị lại thu hái mận 1 lượt. Từ đầu vụ đến nay, gia đình chị vui đã thu hái được hơn 15 tấn. "Hiện giá bán mận hậu tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg, giảm so với cách đây 2 tuần (85.000 -120.000 đồng/kg) nhưng vẫn cao gấp 10 lần so với chính vụ", chị Vui chia sẻ.

Tương tự, vườn mận của anh Trần Văn Hồng (bản Yên Thi, xã Loóng Phiêng,) có tổng diện tích 17ha. Trong đó, diện tích mận trái vụ là 2ha với 600 gốc mận. Anh Hồng chia sẻ: "Từ đầu vụ đến nay đã thu được hơn 1 tấn mận trái vụ với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg, thương lái đến mua tại vườn".

Sơn La: Hiệu quả của cây mận hậu trên đất Yên Châu - Ảnh 3.

Mận hậu ở Lóng Phiêng được đánh giá cao

Theo anh Hồng, để trồng và xử lý mận ra hoa, có quả đúng thời gian như ý muốn đòi hỏi sự kiên trì và kỹ thuật cao. Khi bắt đầu làm mận trái vụ, người nông dân phải thực sự hiểu đặc tính cây mận để đánh giá được rằng những gốc mận đó đủ tuổi, đủ điều kiện ra hoa, kết quả sớm hay chưa.

Đánh giá về mận hậu ở Lóng Phiêng, chị Lê Thị Loan, một tiểu thương chuyên thu gom mận ở xã cho biết, mận hậu Lóng Phiêng không chỉ ngọt, giòn mà mẫu mã cũng rất bắt mắt. Mận vùng này có màu đỏ sẫm, lại còn nguyên phấn, nên được khách hàng, nhất là miền xuôi ưa chuộng.

Mô hình hiệu quả

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng cho biết, Lóng Phiêng là 1 trong 4 xã biên giới của huyện Yên Châu. Xã có 12 bản với trên 2.300 hộ dân. Những năm trước, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn do người dân chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; các giống cây trồng, vật nuôi chủ yếu là giống cũ, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp.

Sơn La: Hiệu quả của cây mận hậu trên đất Yên Châu - Ảnh 4.

Thương lái đóng thùng để chuyển mận về xuôi

Trước thực tế đó, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã đã bàn bạc nhiều lần để chọn hướng phát triển, lựa chọn xây dựng các mô hình sản xuất để bà con được "mắt thấy, tai nghe". Chỉ từ năm 2019 đến nay, cán bộ của huyện đã về xã tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật ghép nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, mận hậu. Ngoài ra, xã cũng hỗ trợ người dân áp dụng một số kỹ thuật mới vào việc trồng, áp dụng các quy trình sản xuất mận theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường giới thiệu sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng mận.

Cũng theo ông Thọ, xã có điều kiện khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, phù hợp với cây mận hậu. Do đó, những năm gần đây, mận hậu đã trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực của xã và huyện Yên Châu. "Trước đây, vụ thu hoạch mận chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng, dẫn đến tình trạng "cung vượt cầu" nên giá cả luôn thấp. Giá mận khi vào chính vụ chỉ bán được trung bình từ 5.000 -10.000 đồng/kg. Bằng kỹ thuật rải vụ, quả mận chín sớm hơn nên người dân không phải lo lắng nhiều về vấn đề tiêu thụ, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó. Đặc biệt, giá bán cũng rất cao, gấp 8-10 lần so với mận chính vụ", ông Thọ chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.