Lừa đảo qua mạng len lỏi về các vùng quê

15/11/2022 15:37
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dù công an và báo chí liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân các vụ lừa đảo trên mạng khi tham gia làm cộng tác viên bán hàng online. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, làm nội trợ hoặc thất nghiệp.

Mất tiền tỷ vì khoản hoa hồng hấp dẫn

Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang điều tra làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới 3,24 tỷ đồng. Nạn nhân là chị Nguyễn Thùy Linh (SN 1984, Hà Nội). Chị Linh cho biết, cuối tháng 9/2022, chị lên mạng tìm việc làm online. Sau đó, chị nhận được lời mời tham gia cộng tác viên "làm nhiệm vụ" và được hưởng tiền "hoa hồng" rất hấp dẫn. Chị Linh làm theo hướng dẫn, cài đặt ứng dụng "Lark", tạo tài khoản và bắt đầu "làm nhiệm vụ". Đầu tiên, người phụ nữ này nạp số tiền 366 nghìn đồng và 375 nghìn đồng "làm nhiệm vụ" thì nhận được thông báo trả "hoa hồng" 1 triệu đồng. Thấy kiếm tiền đơn giản, chị Linh tiếp tục thực hiện 4 nhiệm vụ và nạp tổng số tiền 80 triệu đồng nhưng các đối tượng yêu cầu cần nạp số tiền lớn hơn mới được rút tiền. Chị Linh tiếp tục nạp thêm hơn 200 triệu đồng thì các đối tượng báo chị cài sai ID tài khoản. 

Để chứng minh mình không sai, đối tượng đề nghị chị Linh nộp thêm hơn 300 triệu nữa để được giải ngân hoa hồng. Nóng lòng muốn lấy lại số tiền đã nộp, chị Linh gần như mất hết sự tỉnh táo khi liên tục chuyển tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo. Đến khi, số tiền lên đến 3,24 tỷ đồng, "đối tác" cũng mất hút không còn liên lạc được nữa chị Linh mới sực tỉnh, biết mình bị lừa nhưng đã quá muộn. Không còn cách nào khác, chị Linh đã đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy trình báo.

Trước đó, chị Lê Thị Hồng (SN 1992) ở Long Biên, Hà Nội cũng sụt sùi nước mắt khi đến Công an trình báo bị kẻ lừa đảo "lấy" mất số tiền hơn một tỷ đồng. Chị Hồng làm cộng tác viên bán hàng của Shopee. Những đơn hàng đầu tiên, chị Hồng được thanh toán đầy đủ, nhanh chóng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán những đơn hàng có giá trị lớn, chị Hồng đã không nhận lại được tiền gốc và phần chiết khấu cũng chẳng thấy đâu. Biết bị lừa đảo, chị đã đến công an trình báo với hi vọng sẽ lấy lại được số tiền mà chị đã phải vay mượn rất nhiều người mới có được.

Mới đây, chị Trần Thị Gia Hân (SN 1990), trú huyện Đồng Phú cũng đã gửi đơn tố giác đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Phước. Chị Hân cho biết: Ngày 17/7/2022, qua mạng xã hội, tôi được một nhân viên hướng dẫn tải app Shopee làm cộng tác viên cùng tham gia nhiệm vụ kiếm tiền trực tuyến trên Shopee.

Sau đó tôi được nhân viên giới thiệu làm trên app Telegram, nhân viên tên Nga Hoàng tư vấn và hỗ trợ (thông tin nhân viên: Hoang199nga1991 - Số căn cước công dân 042191002748 tên Hoàng Thị Nga, sinh ngày 4/4/1991, nơi thường trú ở tỉnh Hà Tĩnh. Lần giao dịch đầu tiên này, chị Hân nộp số tiền 300 nghìn đồng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ được nhận về 380 nghìn đồng. Lần giao dịch tiếp theo, chị Hân tiếp tục nộp 300 nghìn đồng và được nhận về 345 nghìn đồng. Sau đó cộng tác viên tiếp tục nộp 10 triệu đồng và được nhận về 12 triệu đồng.

"Do liên tiếp 3 lần nộp tiền vào app và đều có lợi nhuận nên tôi tin tưởng và liên tục thực hiện các giao dịch nạp tiền. Từ ngày 18/7 đến ngày 20/7/2022, tôi đã nộp tổng số tiền là hơn 4,2 tỷ đồng nhưng sau đó không thể rút tiền ra được. App luôn thông báo nhiều lý do và yêu cầu tôi phải nộp thêm 2 tỷ đồng để nâng cấp lên gói cộng tác viên VIP. Lúc này thì tôi mới nhận ra mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên đã làm đơn tố giác gửi đến cơ quan Công an", chị Hân nghẹn ngào chia sẻ.

Lừa đảo qua mạng len lỏi về các vùng quê - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sập bẫy vì lòng tham

Theo thông báo của Bộ Công an, thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng internet ngày càng gia tăng, phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi như: Cố ý chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của bị hại và gọi điện, nhắn tin đòi số tiền đã chuyển nhầm cộng thêm mức lãi nặng; Lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; Đánh cắp thông tin tài khoản, số điện thoại, hình ảnh của người dân, sau đó làm giả chứng minh nhân dân, căn cước công dân để lấy mã OTP, chiếm quyền sử dụng tài khoản và chuyển tiền sang tài khoản của ngân hàng khác để chiếm đoạt…

Riêng hình thức lừa đảo bằng việc lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử rất phổ biến và khiến nhiều người "mắc bẫy" nhất. Ngay tại Hà Nội, đã có hàng chục nạn nhân mất tiền vì "làm cộng tác viên bán hàng". Một cán bộ phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, để thực hiện các vụ lừa đảo thành công, các đối tượng đã nắm bắt được tâm lý hám lời của một số người. Theo đó, "mồi nhử" mà đối tượng đưa ra là những nội dung tuyển dụng hấp dẫn như việc nhẹ, lương cao, được trả ngay theo ngày. Với mỗi đơn hàng, các cộng tác viên sẽ được hưởng chênh lệch từ 10 đến 20%.

Các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền. Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, sinh viên, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng.

Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng hiện đã len lỏi về các vùng quê. Số liệu từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh này đã phát hiện 59 vụ liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 16,3 tỉ đồng. Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 32 vụ, 16 bị can. Qua công tác đấu tranh, xử lý các vụ án cho thấy "kịch bản" chung vẫn là các đối tượng lợi dụng lòng tin, lòng tham khiến "con mồi" sập bẫy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn