Có lẽ chưa bao giờ thị trường kinh doanh mắt kính lại thu hút nhiều người vào cuộc như hiện nay. Gần như ở các vị trí đắc địa: Ngã tư, ngã ba của các trục đường lớn, nhỏ đều có sự hiện diện của các cửa hàng kính mắt. Hầu hết cửa hàng đều tự gán cho mình những ngôn từ nghe rất kêu như "đảm bảo hàng chính hãng"; "bán lẻ giá sỉ, hàng xịn giá rẻ nhất… Sài Gòn (!)". Chưa kể đến rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu treo, dán khắp trong, ngoài cửa hàng.
Hầu như rất ít người mua được kính với giá trị thật. Ảnh minh họa
Theo nhận định của một chủ cửa hàng kính trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 (TPHCM) thì thị trường mắt kính hiện có rất nhiều nguồn: Từ nhập chính hãng, xách tay, đến hàng trôi nổi không rõ xuất xứ mà loại này thì không thể đo đếm được. Vì thế, hầu như rất ít người mua được chiếc kính đúng với giá trị thật của nó và cũng không phải ai cũng đủ hiểu biết, kinh nghiệm để phân biệt hàng giả, hàng nhái. Nhiều cửa hàng giới thiệu là hàng hiệu, bán với giá vài trăm nghìn đồng thì chỉ là hàng nhái, hàng giả. Nếu đúng là hàng hiệu của những thương hiệu quốc tế, sẽ có giá rất cao, từ vài triệu đến chục triệu, thậm chí có chiếc lên đến cả trăm triệu đồng.
Với kính râm, nếu là loại tốt, phải lọc được 99% tia cực tím (tia UV). Nhưng trên thị trường hiện nay, đa phần kính râm xuất xứ không rõ nguồn gốc, không ghi rõ các thông số nên không thể bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia UV. Tại chợ Kim Biên (TPHCM), chỉ với 75.000 - 110.000đ, khách hàng có thể mua được những chiếc kính hiệu như Chanel, Gucci, Ray Ban... sản xuất tại Italy! Trong khi đó, hàng chính hãng của những nhãn hiệu này phải có giá từ 3 triệu đồng trở lên.
Chọn kính chính hãng
Sản phẩm cao cấp thường thể hiện sự sang trọng ở bao bì đóng gói. Hộp chứa kính, túi đựng đều được chế tác tinh tế, sang trọng với logo in dấu. Ngược lại, hàng nhái thường đặt trong những chiếc hộp hoặc túi sơ sài, không có logo hay logo “nhái”. Bên cạnh đó, kính chính hãng đều được dán tem barcode (tem có in mã số) trên gọng kính. Mã số trên barcode phải trùng khớp với mã số trên gọng kính. Phía trên barcode là tên của đại lý bán sản phẩm chính hãng. Ngoài ra, kính còn được dán tem chống hàng giả do Bộ Công an cấp bên phải của barcode và phía trên tem có nhãn hiệu của mắt kính. Mặt sau của tem và barcode là giá bán lẻ được quy định và niêm yết trên toàn quốc, mỗi chiếc kính chính hãng đều có thẻ bảo đảm hàng chính hãng.
Kính chính hãng đều được dán tem có in mã số trên gọng kính. Ảnh minh họa
Khi vệ sinh kính nên xả bằng nước sạch, có thể dùng sữa tắm hay nước rửa chén. Xả nước rửa trước rồi lau, vì khi mắt kính dính bụi bẩn, nếu lau ngay thì chính lớp bụi bẩn đó sẽ chà xát làm xước mắt kính, tránh xả nước vào hộp lò xo bản lề. Chú ý lau nhẹ nhàng để tránh làm trầy xước mắt kính, gẫy gọng kính, đứt sợi nilong (cước), đặc biệt với các loại gọng kính khoan và kính có thể tháo rời mắt. Khăn lau kính tốt nhất là được dệt từ vải sợi mịn, nhỏ, trơn và là loại chuyên dùng để lau kính. Khăn luôn được bảo quản trong hộp riêng để tránh bụi. Tuyệt đối không lau kính bằng quần áo đang mặc, vì sẽ khiến kính bị xước.
Tránh cầm tay vào mắt kính vì sẽ làm kính bị mờ vì bản thân mắt kính rất dễ bắt dính dầu và mồ hôi, tay bị bụi bẩn cũng có thể làm cho kính bị trầy xước, ố màu, khiến khả năng quan sát khi đeo kính bị hạn chế, có thể gây nhức mỏi mắt, đau đầu. Khi không đeo kính thì nên cho kính vào hộp để tránh va đập, xước hay bụi... Không để kính nơi có nhiệt quá cao hay quá thấp.